THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Quảng Nam: "Lão thợ may" hơn 70 năm giữ hồn Phố cổ

 

Trong một hẻm nhỏ của phố cổ Hội An nơi góc chợ Vải là "tiệm may" của ông Lạc. Đã 82 tuổi, đôi mắt của ông vẫn còn sáng lắm, ông đang sỏ sợi chỉ vào cây kim may, đôi chân đạp thoăn thoắt từng đường chỉ chạy thẳng trên vải. Chiếc bàn may này theo ông cũng đã hơn 70 năm, từ những ngày đầu đến với nghề may. Ông bảo:"Bây giờ có bàn may máy, chỉ cần cắm điện là chẳng cần đạp. Nhưng tôi vẫn thích đạp chân hơn vì có thể điều chỉnh đường may theo ý mình". Bởi theo ông, một bộ y phục đẹp chính đường may sắc sảo là yếu tố quyết định, dù dáng người ra sao, đường may thẳng, đẹp sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp của người mặc.

Ông Lạc sinh ra cũng ở phường Thanh Hà, Hội An, cả cha mẹ và những người chị, người em của ông cũng không ai theo nghề may, ông kể:"Ngày đó, cha mẹ tôi đi làm thuê, gặp gì làm nấy, có khi đi khuân vác, đi làm đồng thuê để nuôi chị em tôi". Ông Lạc học được vài con chữ ở lớp bình dân học vụ thời ấy rồi bắt đầu bước chân theo thầy học may.

 

 

Ông Lạc bày tỏ lòng mình những băn khoăn một nghề phố Hội.ảnh:H.T

Năm đó ông mới 8 tuổi, nhẩm tính đã hơn 70 năm theo nghề. Ông nói:"Ngày đó nghề may rất ít người theo học và phố Hội cũng ít người làm nghề này, nên tôi quyết định theo thầy học thợ". Sau 2 năm học nghề, ông làm ở tiệm may của thầy gần 1 năm gọi là để trả ơn, sau đó, bắt đầu những ngày tháng kiếm tiền bằng khả năng của mình. Ông nói: "Tôi học lấy công trả ơn thầy, chứ ngày xưa không có tiền học. Sau này tôi làm ở tiệm của thầy cho đến khi thầy mất". Cứ 5 đồng/bộ đồ, ông bắt đầu nghề may. Những tà áo dài tứ thân rồi đến áo bà ba. Ông nói: "Ngày xưa, người ta dùng vải tám, vải bảy, màu sắc cũng chỉ đen, xám và rất ít người thích vải màu trắng". Và phải đến 2-3 ngày mới may xong một bộ đồ là nhanh nhất, "5 đồng, chỉ đủ một ngày ăn, có khi chỉ đủ mua vài thứ lặt vặt trong nhà là hết"- ông kể. Và chỉ sau vài năm học may, ông cũng sắm cho mình chiếc bàn may mà đến bây giờ ông vẫn còn dùng, đôi lúc tự mình cầm ốc vít vặn sửa chữa bàn may. Cái thời của ông mua một chiếc bàn may đến hơn 3 cây vàng.

Tôi nhớ chuyện những người hơn 40 năm trời ở phố Hội chỉ làm nghề vá áo mưa, những người hơn 60 năm gánh nước thuê. Những người ấy đang góp hồn xưa cũ vào phố cổ, bởi lẽ chính họ là người hiểu rõ nhất chuyện của ngày xưa. Ông Lạc cũng vậy, nhiều khách du lịch tìm đến ông cuối cùng vẫn thích nhờ ông may bộ áo dài, áo bà ba đúng nhất cái kiểu…xưa cũ. Ông nói: "Chiếc áo dài, áo bà ba ngày xưa không có may tay rời, họ cắt liền với thân áo, may rộng hơn bây giờ chút ít, bởi xưa họ vẫn thích nét kín đáo hơn". Cho đến những năm 50, thương cảng Hội An nhộn nhịp hơn, nhiều đoàn thương nhân từ nước ngoài đến mua bán, xuất hiện nhiều loại vải mới hơn như vải ni lông,…rất đa dạng màu sắc.

 

Ông Lạc bên chiếc máy may vẫn đạp bằng chân.ảnh:H.T

Những bạn hàng của ông cũng đa dạng tầng lớp, ông may cả võng cho những người bộ đội, rồi may những bộ y phục đậm chất Tây hơn. Ông nói: "Học may chính là học lỏm, hồi giờ người Việt chỉ biết may những cái đơn giản như áo bà ba, áo tứ thân. Lúc bấy giờ phải học may áo vest, quần tây, do vậy, tôi thường dành thời gian đi xem cái hiệu tây, người ta cắt áo ra sao, mình xem qua rồi nhớ, không ai chỉ cho học may cả". Đến khi người thầy mất, ông chuyển xuống nơi Chợ Vải Hội An và có cho mình chỗ may riêng. Đối với ông, cả cuộc đời nghề may, bộ đồ ông thích nhất vẫn chính là bộ áo dài chính tay ông may cho vợ trong ngày cưới. Chiếc áo dài màu tím, xám mà đến nay ông vẫn còn giữ. Và từ năm 8 tuổi đến nay, những chiếc áo ông mặc đều chính tự tay mình may lấy.

Anh Christian Hector, du khách từ Thụy Điển vừa nhờ ông vá lại chiếc ba lô, và chỉ mất có vài phút ông đã vá xong, những đường may thẳng và sắc sảo. Ông Lạc có đến 7 người con, nhưng chỉ có anh Nguyễn Viết Vân, 50 tuổi, là theo cha học nghề may. Ở cái tuổi 82, ông Lạc vẫn chưa nghỉ tay, mỗi ngày ông vẫn giúp khách may đồ, vá áo. Mỗi ngày kiếm từ 20-100 nghìn đồng, phụ cho bữa ăn.

Có thể nói, "Lão thợ may" Nguyễn Viết Lạc đã góp phần giữ hồn phố Hội xưa, đến nay Hội An được xem là nơi có nghề may phát triển bậc nhất Việt Nam.

Huyền Trang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh