CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:55

Quảng Nam: Cấp thiết bảo vệ nguồn lợi thủy sản

.

Cảnh báo ô nhiễm

Như đã thông tin, tình trạng cá chết hàng loạt đã xảy ra tại hồ điều hòa Nguyễn Du (TP.Tam Kỳ). Nguyên nhân được ngành chức năng xác định do môi trường nước bị nhiễm bẩn quá nặng. Đáng báo động hơn, hàm lượng amoni, chất rắn lơ lửng và vi sinh coliform sẽ càng vượt quá giới hạn cho phép nếu không xử lý triệt để trong thời gian sắp tới. Do vậy, số lượng cá chết sẽ tăng vọt nếu tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được ngăn chặn kịp thời. Trước đó chưa lâu, tình trạng cá chết hàng loạt cũng xảy ra tại khu vực sông Ly Ly đoạn chảy qua xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên). Nước sông khu vực này có màu đen và bốc mùi hôi thối, nhiều cá chết nổi trắng, lềnh bềnh trên mặt sông. Theo quan sát của chúng tôi, các hoạt động xả thải chưa qua xử lý vẫn tồn tại ở các khu vực xảy ra cá chết hàng loạt. Đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở thôn Thi Thại (xã Duy Thành) vẫn hoạt động và xả thải chưa qua xử lý ra sông Ly Ly - nơi xảy ra tình trạng cá chết với số lượng lớn trong thời gian qua.

 

Thả cá giống để tái tạo, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Ảnh: N.Q.V

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) khẳng định cá chết hàng loạt tại các sông, hồ vừa nêu đều do môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, tại khu vực sông Ly Ly đoạn chảy qua xã Duy Thành, sông bị ô nhiễm dầu mỡ. Tại đây, các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, kim loại và vi sinh tăng cao khiến cá không đủ dưỡng khí hô hấp. Trong khi đó, rong rêu, tảo không được xử lý khoa học suốt một thời gian dài tại hồ điều hòa Nguyễn Du khiến cho nguồn nước bị biến động dần. Nắng gắt bất thường trong thời gian gần đây đã khiến cho môi trường nước bị xáo trộn, cá không thích ứng kịp, chết hàng loạt. “Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức các hội nghị về công tác bảo vệ môi trường để cảnh báo các tác động xấu từ hoạt động kinh tế - xã hội đến môi trường xung quanh và ngược lại. Riêng về môi trường nước, hệ thống sông ngòi, hồ, đập trên địa bàn tỉnh quá rộng lớn, dày đặc nên khó kiểm soát và cảnh báo hết. Rất mong có một chương trình phối hợp liên tục, liền mạch giữa ngành tài nguyên - môi trường và thủy sản để hạn chế dần các biến động xảy ra” - bà Hạnh nói.

Kế hoạch dài hạn

Ông Ngô Văn Định, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, cá chết hàng loạt tại các sông, hồ trên địa bàn tỉnh đã gióng thêm hồi chuông báo động về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản tại Quảng Nam. Trong khi đó, hiện vẫn thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch dài hạn để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông cũng như hồ, đập. Ông Định chia sẻ: “Thực tế đã chứng minh rằng hoạt động tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm rất thiết thực bảo vệ nguồn lợi hải sản. Cộng đồng dân cư quản lý đã làm cho đa dạng sinh học, các chủng loại thủy sinh được bảo vệ tốt. Việc liên kết với vùng đệm ven bờ đã tạo thêm tính bền vững trong bảo vệ nguồn lợi hải sản tại đó. Đối với nguồn lợi biển, chúng ta đã bảo vệ và phát triển bền vững là rất đáng quý. Nên chăng xây dựng một khu bảo tồn thủy nội địa Quảng Nam với quy mô tương tự?”. Theo ông Định, làm được điều này có nhiều cái lợi. Trước hết là bảo tồn được các loài thủy sản quý hiếm có giá trị lớn về nghiên cứu khoa học cũng như kinh tế. Tiếp đến là phát triển nguồn lợi gắn với quản lý hiệu quả hơn các hoạt động khai thác thủy sản, hướng đến phát triển bền vững. Khi đã có được điều này thì giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật sông nước không còn là viễn cảnh quá xa xôi.

Thả 30 nghìn con cá diếc để tái tạo nguồn lợi thủy sản
Mới đây, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam tiến hành thả 30 nghìn con cá diếc giống xuống 3 khu vực là hồ điều hòa Nguyễn Du, Sông Đầm và sông Mỹ Cang (thuộc xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo ông Bùi Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam, hiện tại cá diếc đã bị suy giảm mạnh tại các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, trong thời gian đến, đơn vị sẽ tiếp tục thả 20 nghìn con cá diếc giống xuống các dòng sông có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho quá trình phát triển của cá thuộc địa phận 2 huyện Phú Ninh và Thăng Bình. Nguồn giống cá diếc này được Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam tiến hành sinh sản nhân tạo thành công.

Quảng Nam có đa dạng các nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên nhiều loài quý hiếm đã bị giảm sút hoặc mất đi. Ví dụ như tôm càng xanh không còn tìm thấy ở các sông, suối trong thời gian qua. Các loại cá mú, cá hồng, cá dược ngày một ít đi. Từ cơ sở đó, có thể thấy xây dựng khu bảo tồn thủy nội địa là rất cấp thiết. Vấn đề đặt ra là mô hình khu bảo tồn thủy nội địa sẽ hoạt động thế nào nếu được thành lập? Theo ông Ngô Văn Định, trung tâm của khu bảo tồn này là vùng sông nước Vu Gia - Thu Bồn. Tại đây, ban quản lý được thành lập sẽ tổ chức tổng thể các hoạt động gồm điều tra, khảo sát, khoanh vùng các bãi đẻ của các loài thủy sinh quý hiếm, định ra vùng sinh trưởng của các loài thủy sản còn nhỏ. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch dài hạn và thực hiện thả giống các đối tượng thủy sản cần bảo vệ, bảo tồn nhằm tái tạo nguồn lợi ngoài thủy vực tự nhiên. Để điều đó được thực hiện tốt, ban quản lý khu bảo tồn sẽ liên hệ mật thiết với các ngành liên quan, kiểm soát, hạn chế và xử lý ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động khai thác thủy sản trái phép như sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc cũng được tăng cường. Đối với các vùng vệ tinh là cửa sông An Hòa (huyện Núi Thành) và Cửa Đại (TP.Hội An) sẽ cấm khai thác thủy sản có thời hạn, hạn chế khai thác các loài có nguy cơ bị xóa sổ làm cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh