Quảng cáo nước mắm không chứa arsen: Phản tác dụng
- Các loại bệnh
- 14:01 - 26/10/2016
Thủ đoạn kinh doanh không lành mạnh
Trong khi người tiêu dùng chưa hết hoang mang về thông tin 67% các loại nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định, thì mới đây 2 thương hiệu nước mắm công nghiệp đã tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố “đạt chuẩn an toàn thạch tín”.
Quảng cáo khẳng định: “Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Lưu Văn Nghiêm , nguyên trưởng bộ môn quảng cáo, Khoa marketing, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng đây không phải trường hợp hiếm gặp trong thời gian qua.
Việc lợi dụng sự mập mờ trong tiếp cận thông tin của công chúng để đưa ra thông tin có lợi cho mình và bất lợi cho doanh nghiệp khác là không nên. Ảnh: TTO
Theo PGS.TS Nghiêm, một trong những nguyên tắc cần phải tuân thủ khi tiến hành các chiến lược quảng cáo là phải trung thực. Quảng cáo sản phẩm của mình nhưng không được phép làm hại các doanh nghiệp, công ty khác.
“Theo tôi cách làm này vi phạm Luật quảng cáo trầm trọng. Trong khi dư luận đang nghi ngờ, băn khoăn về vấn đề nước mắm có chứa arsen vượt ngưỡng thì công ty kia lại đưa ra quảng cáo khẳng định sản phẩm của mình an toàn.
Ông Nghiêm cho rằng, khi thông điệp quảng cáo được đưa ra, nhiều người tiêu dùng sẽ bị tác động và đương nhiên các sản phẩm nước mắm truyền thống dù được sản xuất an toàn, hợp vệ sinh vẫn bị ảnh hưởng.
“Thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đều tiến hành theo công nghệ cổ truyền từ trước đến nay. Ngoài ra tất cả những vấn đề về thực phẩm, an toàn thực phẩm đều đã được xét duyệt, kiểm định đầy đủ.
Đương nhiên khi arsen hữu cơ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người thì họ mới cho các doanh nghiệp truyền thống lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên thông điệp mới đưa ra khiến người dân hiểu lầm nước mắm truyền thống, khó khăn hơn trong việc lựa chọn”, ông Nghiêm nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Lai, một chuyên gia về Marketing khẳng định, khó có sự trùng hợp đến ngẫu nhiên trong trường hợp quảng cáo nước mắm này.
“Để tung ra một thông điệp quảng cáo doanh nghiệp phải có một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình thức quảng cáo. Vì vậy tôi cho rằng để các nhà quản lý, chuyên gia cũng như người dân tin rằng việc này trùng hợp ngẫu nhiên rất khó”, TS Lai nhấn mạnh.
Quảng cáo phản tác dụng
Phân tích kỹ hơn về chiến lược quảng cáo, TS Nguyễn Hữu Lai cho rằng, việc doanh nghiệp tung ra thông điệp nước mắm an toàn vào thời điểm này dường như càng khiến người tiêu dùng băn khoăn hơn đối với các sản phẩm nước mắm công nghiệp. Có thể mục đích ban đầu họ muốn giành thêm khách hàng, thị trường tiêu thụ, tuy nhiên đến thời điểm này dường như đang bị phản tác dụng.
Theo TS Lai, công bố nước mắm nhiều đạm càng nhiều arsen đã được chứng minh là lập lờ, thiếu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý nhà nước đang vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức xung quanh việc này. Và hơn hết, việc nước mắm không có arsen lại chứng tỏ nước mắm không có nhiều mắm thật.
“Tôi nghĩ với những ai thiếu thông tin, không tìm hiểu kỹ thì mới cảm thấy lo lắng không biết nên lựa chọn nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp. Nhưng với những người hiểu biết, chắc chắn dễ dàng đoán biết được mục đích đằng sau cuộc tranh luận này. Thông điệp quảng cáo đưa ra lúc này không chỉ khiến các hãng nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng mà ngay cả chính doanh nghiệp đó cũng bị dư luận đặt dấu hỏi.
Với cá nhân tôi, trước kia gia đình rất hay sử dụng nước mắm công nghiệp nhưng sau sự việc lần này, tôi sẽ quay trở lại với nước mắm truyền thống. Những người thân và học trò cũ của tôi cũng có xu hướng như vậy”, TS Lai chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Lưu Văn Nghiêm nhận định, khi xã hội đang hoang mang vì khủng hoảng thông tin nước mắm an toàn, cơ quan nhà nước đang vào cuộc điều tra mà doanh nghiệp lại công bố chất lượng sản phẩm của mình cũng sẽ gặp bất lợi.
“Tôi nghĩ đó cũng là một cái dở. Quyết định như vậy thì khiến cho cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng. Và chính các doanh nghiệp nước mắm công nghiệp cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ, cảnh giác”, ông Nghiêm bình luận.
Lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng
Một vấn đề khác được TS Nguyễn Hữu Lai nhắc đến sau những tranh cãi về nước mắm nhiễm asren, đó là cần có những quy định rõ ràng về nước mắm.
Theo TS Lai, từ những năm 80, 90 Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã sử dụng tên mắm cá hay nước mắm cá cô đặc để nói về nước mắm truyền thống.
Tuy nhiên thời gian gần đây, khi các loại nước mắm công nghiệp, nước chấm ngày càng nhiều hơn nên người tiêu dùng rất khó khăn để lựa chọn được những sản phẩm chất lượng, nhất là trong bối cảnh quảng cáo nở rộ như hiện nay.
“Tôi nghĩ nhiều nhà sản xuất lợi dụng sự phân loại không rõ ràng để gọi chung các sản phẩm là nước mắm. Sự mập mờ đó khiến cho những sản phẩm nước mắm đúng nghĩa bị thua thiệt. Vì vậy việc cần thiết phải làm hiện nay là trả lại tến cho nước mắm”, TS Lai nhấn mạnh.
Trong khi đó, điều PGS.TS Lưu Văn Nghiêm đề cập đến đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để làm rõ động cơ sau những tuyên bố thiếu khách quan, gây hiểu lầm cho khách hàng.
Vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi về Luật, đưa ra những quy định, tiêu chuẩn rõ ràng hơn về nước mắm.
“Hiệp hội quảng cáo, Bộ Công thương hay Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thời gian qua chưa ai chú trọng điều này cả. Nhiều quảng cáo điện thoại, tờ rơi đều vi phạm nhân quyền nhưng chưa ai xử lý. Vì thế việc thay đổi là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó theo tôi các doanh nghiệp nước mắm truyền thống bị ảnh phải đứng ra tổ chức họp báo, công bố toàn bộ sự thật để trấn an và xóa tan những hoang mang của công chúng. Và Hội người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm về việc này, không thể không có ý kiến rõ ràng được”, ông Nghiêm nêu quan điểm.