THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:48

Quảng Bình: Xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp

Giai đoạn 2011-2015, tình trạng xâm hại trẻ em chủ yếu tập trung ở hình thức gây thương tích và xâm hại tình dục, đối tượng xâm hại là người quen, hàng xóm của trẻ em. Đến năm 2016-2019, xuất hiện tội phạm giết người (2 vụ); giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (3 vụ); có vụ xâm hại tình dục do chính người ruột thịt, thân thích của trẻ gây ra (1 vụ cha hiếp dâm con gái).

Quảng Bình: Xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Tư vấn, nâng cao nhận thức cho trẻ em về phòng tránh xâm hại tình dục tại trường học trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là người ruột thịt, người thân thích, giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục và đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc, khám, chữa bệnh, người quen của trẻ em… Các hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu xảy ra ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, nông thôn, ở địa bàn các huyện, như: Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Minh Hóa…

Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ.

Cụ thể, nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên không tố giác kẻ phạm tội.

Cùng với đó, một bộ phận các gia đình tập trung cho làm ăn kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống cho việc nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ở khía cạnh khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Đáng chú ý, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, như: ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm... Hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em vẫn còn khoảng trống.

N.SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh