THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:54

Quảng Bình: Hàng trăm hộ dân vùng "rốn lũ" thoát nạn nhờ “phao cứu sinh”

Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) nằm trong địa hình "lòng chảo", bao quanh là núi đá vôi nên mỗi mùa mưa lũ về những ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước lũ.

Những trận lũ trước, người dân phải lên các hang đá ẩn nấp thì năm nay họ đã an tâm sống trên những căn nhà nổi chờ ngày nước rút.

Video: Hàng trăm ngôi nhà của người dân xã Tân Hóa (huyện Minh Hoá, Quảng Bình) bị ngập sâu trong nước.

Trong tối 10/10, gần 600 căn nhà người dân xã Tân Hóa ngập chìm trong biển nước, mọi con đường vào Tân Hóa bị nước bao vây, việc đi lại bị chia cắt hoàn toàn. Hàng trăm cán bộ, người dân tập trung ở 1 bến thuyền để sẵn sàng đưa lương thực, nước uống tiếp tế cho người dân trong vùng lũ.

Ngồi trên thuyền, chạy vòng quanh xã Tân Hóa, theo quan sát của PV thì tất cả nhà dân bị nhấn chìm trong biển nước, chỉ trơ lại mái tôn. Ở các trường học, ủy ban xã, nước vẫn dâng cao trên 3m. Chiếc thuyền cố gắng tránh những vật cản, len lỏi tiến vào từng thôn để chứng kiến cuộc sống "mùa nước nổi" của người dân nơi đây.

Căn nhà nổi của bà Trương Thị Bông (thôn 1 Yên Thọ, xã Tân Hóa) rộng chừng 5 m2, nổi lên theo con nước cách mặt đất hơn 2,5m. Dù lũ năm nay nước đổ về bất ngờ trong đêm khuya, nhưng bà Bông cho hay nhờ có nhà nổi nên mọi thứ đều an toàn.

"Gia đình chúng tôi cảm ơn nhà nước đã cho tiền làm nhà nổi. Khi mùa lũ đến cán bộ đã kịp thời thông báo để người dân đưa vật nuôi lên núi đi tránh nước. Còn bà con thì sống trên nhà nổi, cán bộ thường xuyên vào đây cho bà con mì tôm, gạo, nước nên không lo đói. Nhà nổi chính là phao cứu sinh cho dân Tân Hóa chúng tôi" - bà Bông phấn khởi.

Bà Bông kể, tối 7/10, mưa lớn, nước dâng lên rất mạnh, gia đình bà phải nhanh tay chất mọi thứ lên nhà nổi. Sau 3 ngày, nước từ mọi phía đổ về, nước lên bao nhiêu thì căn nhà nổi lên bấy nhiêu, không còn cảnh tránh lũ nơi bìa rừng, trên dốc đá tai mèo đói rét như trước đây.

Quảng Bình: Hàng trăm hộ dân vùng "rốn lũ" thoát nạn nhờ “phao cứu sinh” - Ảnh 2.

Người dân sống trên nhà nổi chờ ngày nước lũ rút.

Theo người dân Tân Hóa, nhà nổi có cách đây gần 10 năm, ban đầu một vài gia đình mua thùng phuy, phao bè và lên rừng chặt gỗ về làm nhà nổi. Khi nước lên, nhà nổi sẽ nổi lên trên mặt nước. Lũ lớn về, trên ngôi nhà nổi ấy, là nơi cư trú cho cả gia đình và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực…

Nhìn hàng nghìn người dân sống bình an trong lũ dữ, ông Trương Thanh Duẫn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa phấn khởi nói: "Lũ năm nào cũng vậy, bà con nơi đây vốn đã cực, đã khổ nhưng may có nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà nổi nên dân mới an toàn. Nơi đây hầu hết đã phổ cập nhà, nhà nổi nhìn đơn giản nhưng là thứ không thể thiếu đối với bà con Tân Hóa vì nó đã cứu sống hàng nghìn người dân".

Ông Duẫn nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2010 cả xã không ai có nhà nổi. Khi nước dâng, già trẻ lớn bé đều bống bế, dìu dắt nhau lên núi đá để trốn. Chính quyền phải luồn qua các ngỏ ngách trong núi đá để cấp phát lương thực cho bà con. Ngày lũ rút, người dân Tân Hóa đều trắng tay vì sản nghiệp, vật nuôi đều bị cuốn theo dòng nước.

Theo ông Duẫn, hiện vùng "rốn lũ" Tân Hóa đã có hơn 600 ngôi nhà dân bị ngập sâu. Trong đó có nhiều nhà ngập sâu đến 3m. Nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm và cuốn trôi. Nước vẫn đang ngày một dâng cao, rất may nước nổi thì nhà nổi nên không có thiệt hại về người.

"Những năm qua, ngoài những hộ khá giả tự đầu tư, các hộ khó khăn hơn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ để làm nhà nổi tránh lũ. Đặc biệt, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ Tân Hóa 58 nhà nổi. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ dân ở vùng ngập lũ của xã Tân Hóa đều đã có nhà nổi để "sống chung với lũ" - ông Duẫn tâm sự.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt hơn 13.000 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh. Cụ thể huyện Minh Hóa có 627 nhà; huyện Quảng Ninh có trụ sở chính quyền xã Trường Sơn và 4.390 nhà/13 xã, thị trấn bị ngập sâu; huyện Lệ Thủy có 7.650 hộ, thị xã Ba Đồn có 215 hộ và huyện Bố Trạch có 81 hộ bị ngập nước...

Nước lũ dâng cao cũng đã cô lập, chia cắt 16 bản, làng ở nhiều xã: Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa…của huyện Minh Hóa; 8 thôn, bản/5 xã ở huyện Tuyên Hóa; 6 bản/1 xã ở huyện Bố Trạch; 5 xã bị chia cắt giao thông ở huyện Quảng Ninh (Trường Xuân, Trường Sơn, Hiền Ninh, Hàm Ninh…); 7 bản thuộc xã Lâm Thủy và Kim Thủy của huyện Lệ Thủy.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, tình trạng ngập lụt trên diện rộng vẫn còn xảy ra trên hạ lưu các sông, đặc biệt các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy...

MINH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh