THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, phát triển đô thị

Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đến năm 2030 cả nước có khoảng 1.000 - 1.200 đô thị

Nghị quyết số 06-NQ/TW khẳng định, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao...

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

Bộ Chính trị nhận định, những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức; công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp…

Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo, đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Các mục tiêu cụ thể đề ra gồm: Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%; Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030

Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Nghị quyết 06 cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị;...

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Quy hoạch đô thị phải lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu một số ý kiến có tính gợi mở để nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này; phải thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trên cơ sở đó phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

 "Nghị quyết có đúng, có trúng hay cỡ nào đi nữa mà chúng ta chỉ đạo thực hiện không quyết liệt thì không có kết quả, khắc phục tối đa tình trạng khoảng 10 năm sau tổng kết, đánh giá lại, chúng ta lại nói là Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị rất hay, rất đúng", Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Theo Thường trực Ban Bí thư, việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.

 "Trong một thời gian ngắn chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người, vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài, vì thế phải kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.

Một vấn đề nữa được Thường trực Ban Bí thư đề nghị là cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật; ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả. Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết. Chương trình hành động phải đảm bảo sát các nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết; khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh