“Quan tâm lo Tết cho dân, không để ai không có Tết“!
- Tây Y
- 05:22 - 01/01/2020
Giàm nghèo đa chiều và xây dựng nông thôn mới là điểm sáng trong năm 2019
Phát biểu tại Hội nghị, bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, chúng ta hoàn thành 12 chỉ tiêu, đặc biệt là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua và năng lực cạnh tranh quốc gia tăng vượt bậc. Theo Bộ trưởng, hai vấn đề mấu chốt thời gian qua, đó là thay đổi mô hình kinh tế, thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu kiềm chế trong lạm phát, làm tiền đề để tăng trưởng GDP cao và bền vững. Đi đôi với việc coi trọng kinh tế Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước chúng ta cũng đặc biệt coi trọng và coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Trong đó, nổi lên một số tập đoàn kinh tế tư nhân vừa qua đã tạo uy tín, vị thế đất nước, tạo công ăn việc làm rất lớn cho xã hội.
Liên quan đến các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2019, với sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương, chúng ta đã có một bước chuyển biến tích cực và căn bản các vấn đề xã hội. Cụ thể, vấn đề giảm nghèo đa chiều và xây dựng nông thôn mới là điểm sáng trong năm. Trong đó, tỷ lệ nghèo đến nay còn dưới 4% (giảm 1,35%). Với kết quả này chúng ta đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ trước một bước
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề ở vùng nông thôn, quan tâm đến sinh kế của người dân, bởi đây chính là vấn đề giảm nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo.
"Hiện trên cả nước có vài trăm người, trong đó có những cụ già 80-90 tuổi, tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Họ đã nhường lại chính sách của mình cho những người khó khăn hơn. Tôi cho rằng cần phải tổng kết, nhân rộng mô hình này. Đặc biệt nó tạo không khí, một tư tưởng phấn đấu vươn lên không ỉ lại chính sách, nhất là vùng khó khăn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tập trung các giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động
Liên quan đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2019, đã có hàng chục diễn đàn quốc gia liên quan đến bồi dưỡng phát triển nhân lực, nâng tầm kỹ năng lao động. Chính vì vậy, năm 2019, đã có 5 vấn đề cơ bản chuyển động.
"Thứ nhất, trong năm qua cả nước đã giải quyết 1,6 triệu lao động (vượt 103% chỉ tiêu); Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,2%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; Thứ ba, chúng ta đưa 148.000 lượt người đi lao động ở nước ngoài. Thứ tư, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp vượt chỉ tiêu, đặc biệt là chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc và so với các nước ASEAN, Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất; Thứ năm là quy mô lao động của chúng ta hiện nay là 56 triệu nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ lao động khu vực nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 34,7%, lần đầu tiên khu vực dịch vụ lên 35,9%, tôi cho rằng đây là bước tiến rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu lao động.", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhân lực của chúng ta thì nhiều nhưng là nhân lực rẻ và đây không phải là ưu thế vượt trội để thu hút đầu tư. Vì vậy, trong tương lai Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải quan tâm đến vấn đề phát triển nhân lực.
Bộ trưởng đề nghị Trung ương và các địa phương tăng cường đầu tư ngân sách, nhất là cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời, tập trung các giải pháp nâng tầm kỹ năng lao động, chuyển nhanh lao động phi chính thức sang khu vực chính thức, đồng thời, phải dự báo cung cầu, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường và có giải pháp căn để đối phó với tác động của cách mạng 4.0.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị, quản lý chặt dân cư để phòng chống tội phạm, tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài di cư bất hợp pháp, nhất là sau vụ 39 người chết tại Anh. Kiểm soát chặt chẽ các loại hình đào tạo liên kết với nước ngoài, xử lý nghiêm các hình thức trá hình liên kết đưa người Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu địa phương có chính sách đối phó với việc nới lỏng visa, vì các nước đang lợi dụng việc này để "đánh cắp nhân lực hợp pháp".
"Trong quý 1 năm 2020, có khả năng một số quốc gia do áp lực già hóa dân số sẽ tìm mọi cách để "đánh cắp nhân lực một cách hợp pháp", bằng cách cấp visa du lịch đồng thời cho phép tuyển dụng thẳng lao động. Chúng ta cần phải chú trọng vấn đề này, bởi nếu không khéo thì chúng ta sẽ mất nhân lực ồ ạt", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó đào tạo ban đầu cho 1 triệu lao động đầu vào và đào tạo lại cho vài chục triệu lao động....
Quan tâm lo Tết cho người dân, không để ai không có Tết
Về chăm sóc cho người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương tập hợp những vấn đề vướng mắc liên quan đến nhà ở, từ đó báo cáo Bộ Xây dựng, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động để báo cáo Thủ tướng xem xét… Đối với 32 địa phương chưa hoàn thành việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, đặc biệt là xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ trưởng đề nghị cần sớm quan tâm giải quyết.
Về vấn đề bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm phát triển BHXH, đa dạng, đa tầng và chia sẻ. "Hiện nay, tỷ lệ bảo hiểm của chúng ta đã nâng lên là 32,5%, năm 2019 phát triển được 280 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng con số này vẫn rất thấp. Chúng tôi đề nghị các địa phương có kế hoạch giao chỉ tiêu, phấn đấu năm 2020 phát triển BHXH tự nguyên lên 300 ngàn người. Đồng thời, rà soát 200 ngàn doanh nghiệp hiện đang trốn đóng, nợ đóng BHXH để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BHXH.", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp căn cơ về phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em, đặc biệt là 12 tỉnh thành phố có tình trạng xâm hại bạo lực trẻ em rất lớn trong cả nước. "Thời gian tới sẽ tiến hành giám sát tối cao trên quy mô toàn quốc về vấn đề này.", Bộ trưởng cho biết.
"Cuối cùng, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về vấn đề an sinh, nhân dịp Tết sắp đến, chúng tôi mong các địa phương quan tâm tổ chức tốt Tết nguyên đán cho người dân, đặc biệt, các địa phương còn thiếu đói thì khẩn trương báo cáo để Chính phủ cung cấp gạo, làm sao để không ai là không có Tết.", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết thúc bài phát biểu.