THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:54

Quan tâm đầu tư và công bằng với trẻ em thiệt thòi

Trẻ em dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi

Theo dẫn chứng của UNICEF, cứ thêm mỗi năm học mà thanh - thiếu niên trên toàn đất nước hoàn thành, trung bình sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo của quốc gia xuống 9%, và cứ thêm một năm trẻ được đi học sẽ giúp các em tăng thêm khoảng 10% thu nhập khi trưởng thành. Các giải pháp như hỗ trợ tiền mặt có thể giúp các em được đi học lâu dài hơn, học lên các bậc cao hơn có thể mang lại lợi ích cho cả quốc gia. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong bà mẹ ở miền núi vẫn cao gấp bốn lần so với vùng đồng bằng. Hơn 60% hộ gia đình dân tộc thiểu số không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Giáo dục có vai trò đặc biệt trong việc xóa bỏ vòng luẩn quẩn của thiệt thòi qua nhiều thế hệ. Tỷ lệ trẻ em chưa từng đi học ở Việt Nam khá cao, đặc biệt là trong một số nhóm dân tộc thiểu số. Gần 1/4 trẻ em người Mông trong độ tuổi đến trường chưa từng đi học hoặc tham gia bất kỳ hình thức giáo dục chính quy nào.

Đầu tư vào những trẻ em thiệt thòi nhất không chỉ đúng về nguyên tắc mà còn giúp mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho quốc gia. Tương lai của trẻ em nghèo và thiệt thòi có thể phụ thuộc vào những cơ hội mà các em có được. Hoàn cảnh xuất thân thường do số phận quyết định nhưng cơ hội phát triển của các em lại không phụ thuộc vào số phận. Những cơ hội đó là kết quả của sự lựa chọn - lựa chọn của chính cộng đồng, của xã hội, của các tổ chức quốc tế và của các chính phủ. Khi trẻ em được trao các cơ hội như nhau để phát huy tối đa tiềm năng, các gia đình hỗ trợ và quan tâm chăm sóc trẻ em thì cộng đồng sẽ lớn mạnh, và quốc gia sẽ thành công trên chặng đường tăng trưởng và phát triển.

Ảnh minh hoạ.

Đầu tư công bằng để thay đổi cuộc sống hàng triệu trẻ em

Theo ông Youssouf Abdel - Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: “Kinh nghiệm cho thấy những lựa chọn đúng đắn có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Bất công không phải là điều không thể tránh được, cũng không phải là không thể xóa bỏ được và mô hình giáo dục của Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời. Chúng ta phải đến được với những trẻ em bị lãng quên và điều này phải luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi nỗ lực trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng chúng ta cần tập trung hơn nữa vào những trẻ bị bỏ lại phía sau. UNICEF cùng với các cơ quan LHQ khác cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ để có thể đến được với những trẻ em bị thiệt thòi nhất, dễ bị tổn thương nhất và bị loại trừ nhất nhằm thực hiện các mục tiêu vào năm 2030”.

Ông Youssouf Abdel - Jelil cho rằng, cần giúp tập trung giải quyết các rào cản và tháo gỡ các nút thắt đang cản trở trẻ em tiếp cận những hỗ trợ và dịch vụ cần thiết. Hệ thống luật pháp, như Luật Trẻ em mới ban hành, đã đóng vai trò định hướng cho những chuyển đổi tích cực, nhưng vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ để biến cam kết này thành hành động thông qua các chương trình tập trung vào sự công bằng và chi tiêu công. Đồng thời thay đổi chi tiêu công để phục vụ tốt hơn những đối tượng bị loại trừ nhiều nhất. “Việc từ chối trao cơ hội công bằng trong cuộc sống cho hàng triệu trẻ em sẽ làm tăng thêm những vòng luẩn quẩn của sự thiệt thòi và bất bình đẳng qua nhiều thế hệ, đe dọa tương lai của cả xã hội. Việt Nam có thể lựa chọn đầu tư ngay bây giờ để mang lại cơ hội công bằng cho mọi trẻ em và để trở thành quốc gia công bằng hơn, hòa nhập hơn cho tất cả mọi người”, ông     Youssouf Abdel- Jelil nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh khẳng định: "Chính phủ Việt Nam vẫn đang rất quan tâm đến trẻ em và có nhiều chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề công bằng hoàn toàn khác với việc đầu tư cho sự bình đẳng. Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và Luật Trẻ em mới được Quốc hội thông qua, chúng ta tiếp cận đến vấn đề trên cơ sở của sự công bằng, tức là tiếp cận trên cơ sở quyền trẻ em, xuất phát từ mọi lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Vì thế, khái niệm bình đẳng, công bằng với trẻ em cần phải được làm rõ".

Theo bà Ngô Thị Minh, mọi trẻ em đều cần thực hiện quyền của riêng mình. Nếu không, Nhà nước phải đầu tư giúp các em thực hiện quyền. Số trẻ em thiệt thòi cần phải được đầu tư sâu hơn. Số lượng trẻ em tử vong, trẻ em miền núi không được đến trường cũng đang là những con số khiến Chính phủ Việt Nam trăn trở.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh