THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:26

Quản lý phòng khám tư nhân đang bị buông lỏng

 

Sai phạm chưa được xử lý triệt để

Đến thời điểm này, hơn 70  bé trai ở Khoái Châu, Hưng Yên đã được xác định bị sùi mào gà do đi khám tại một phòng khám tư của huyện và số trẻ mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày. Chỉ đến khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế Hưng Yên vào cuộc kiểm tra mới phát hiện phòng khám tư này hoạt động không hề có giấy phép, cũng không có biển hiệu.

Ở Hà Nội, khi xảy ra vụ sản phụ tử vong ở Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội thì trước đó thanh tra y tế đã phát hiện nhiều sai phạm tại Phòng khám này. Chỉ riêng năm 2016, Sở Y tế đã phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở này 3 lần và lần nào cũng phát hiện sai phạm và bị xử phạt. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền phạt liên tiếp, phòng khám này vẫn hoạt động bình thường. Chỉ đến khi xảy ra sai sót nghiêm trọng khiến sản phụ bị chết não thì đại diện phòng khám này mới chủ động đến Sở Y tế gửi trả lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trước đó, Hà Nội cũng đã từng xảy ra hàng loạt tai biến y khoa nghiêm trọng tại các phòng khám tư nhân. Sau mỗi vụ việc tai biến, dẫn đến chết người, các cơ quan chức năng đều “ra quân” tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý các phòng khám tư nhân. Nhưng thực tế, sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm.

Tại TP. Hồ Chí Minh, việc quản lý phòng khám tư nhân, nhất là phòng khám có bác sĩ nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2017, một bé gái 13 tuổi cũng đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong sau khi tiêm thuốc điều trị dị ứng tại một phòng khám tư nhân huyện Củ Chi. Gần đây nhất, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra, xử phạt 120 triệu đồng đối với một phòng khám đa khoa trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) có người Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép, nhà thuốc cũng chưa được cấp phép... Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế thành phố đã xử phạt 24 cơ sở phòng khám tư nhân sai phạm, trong đó có 16 cơ sở phòng khám có yếu tố nước ngoài…

Hiện toàn quốc đã có 206 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong toàn quốc đã đóng góp một phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trong cộng đồng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân.Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực, hiện nay, một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật  khám, chữa bệnh như: Mời bác sỹ người nước ngoài hành nghề khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế.

 

Phòng khám tư nhân mọc lên nhan nhản khắp nơi, rất khó kiểm soát

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các sai phạm của những phòng khám tư nhân vẫn chưa xử lý triệt để. Có những phòng khám tư nhân đã 4-5 lần nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn tiếp tục tái diễn. Những phòng khám này tồn tại là do sự phối, kết hợp chưa đồng bộ giữa thanh tra Bộ - thanh tra các địa phương và giữa thanh tra y tế - công an các địa phương.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Trước hàng loạt những sai phạm xảy ra, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Nhiều giải pháp cũng được Bộ đưa ra như: yêu cầu các sở y tế đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, kèm theo phạm vi hoạt động chuyên môn, thời gian hoạt động, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám bệnh, chữa bệnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế….

Tuy nhiên, khi Chỉ thị ban hành còn chưa ráo mực thì những sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra, nguyên nhân được chính những người trong ngành chỉ ra là do chế tài xử phạt còn thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép, dễ gây tai biến cho người bệnh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, Sở Y tế luôn tái kiểm tra những phòng khám trong nước từ 1 - 2 lần/năm, còn những phòng khám có yếu tố nước ngoài, nhất là phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường được kiểm tra tra 2 - 3 lần. Tuy vậy, vẫn còn nhiều sai phạm tại các phòng khám tư nhân do chế tài chưa đủ sức răn đe, nhiều phòng khám tư nhân sẵn sàng nộp phạt, sau đó họ dễ dàng thu hồi tổn thất từ chính người bệnh thông qua các chiêu thức “vẽ” thêm bệnh và dịch vụ y tế. "Có những phòng khám dù bị xử phạt tới 900 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động nhưng họ vẫn chấp nhận. Sau đó, các phòng khám này bỏ cơ sở cũ chuyển sang đầu tư một cơ sở mới và tiếp tục hoạt động theo hình thức cũ", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Theo một cán bộ của Sở Y tế Hà Nội, quy định hiện hành khó có thể đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù có liên tiếp tái diễn vi phạm. Bởi lẽ, hiện nay, quy định chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng, giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền. Do đó, rất cần thiết bổ sung ngay quy định đóng cửa đối với các phòng khám tư nhân nếu vi phạm quy định về hành nghề trong 3 lần liên tiếp. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm bổ sung những quy định nhằm xử phạt nghiêm những sai phạm tại các phòng khám tư nhân, đồng thời, cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương, buộc chính quyền phải vào cuộc trong việc quản lý các phòng khám tư.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh