Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc bước vào thập kỷ mới: Hướng tới tầm nhìn chiến lược chung
- Tây Y
- 02:04 - 07/10/2020
Đối thoại được tổ chức theo hình thức trực tuyến nối 11 điểm cầu đặt tại thủ đô các nước ASEAN và Hàn Quốc, với sự tham dự của đại diện 10 cơ quan thành viên ASEAN-ISIS, KNDA và các cơ quan nghiên cứu khác của Hàn Quốc, cùng đại diện ngoại giao đoàn ở Hà Nội và Seoul. Đối thoại là dịp để các đại biểu chia sẻ quan điểm về bối cảnh chiến lược mới của thế giới và khu vực trong giai đoạn hậu COVID-19 và những tác động đối với các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Hùng Sơn cho rằng, đại dịch COVID-19 đã làm rõ nét hơn nhiều xu hướng vốn đang diễn ra trên thế giới và khu vực, trong đó có mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Trung, khiến tình hình ngày càng trở nên bất định, khó lường và nhiều thách thức hơn đối với các nước vừa và nhỏ như ASEAN và Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc, trong đó thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược giữa các cơ quan nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng.
Chia sẻ nhận định nêu trên, Chủ tịch Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, ông Joon Hyung Kim khẳng định, ASEAN đã trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Chủ tịch Ủy ban Văn phòng Tổng thống về Chính sách Hướng Nam mới (NSP) của Hàn Quốc khẳng định trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 tạo ra, ASEAN và Hàn Quốc cần tận dụng những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, phát huy thành quả đã đạt được, xây dựng quan hệ đối tác bền vững lâu dài.
Ông Simon Tay, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore, Chủ tịch ASEAN-ISIS 2020 nhấn mạnh ASEAN và Hàn Quốc cần thúc đẩy các biện pháp củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nước.
Tại đối thoại, các đại biểu tập trung phân tích những biến động phức tạp và nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực hiện nay như gia tăng cạnh tranh nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy trong quan hệ quốc tế, những thách thức đối với các cơ chế hợp tác đa phương… đặc biệt dưới tác động của việc đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia phải chịu sức ép trong quan hệ với các nước lớn, đồng thời đối mặt với suy thoái kinh tế kèm theo nguy cơ bất ổn xã hội. Mặt khác, những thách thức và biến động cũng mở ra nhiều cơ hội và làm gia tăng nhu cầu hợp tác trong khu vực, nhất là giữa các lực lượng tầm trung như ASEAN và Hàn Quốc, trong đó nổi bật là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và kinh tế số. Trên cơ sở đánh giá thực chất về việc triển khai Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc, các đại biểu nhận định rằng Chính sách Hướng Nam mới được Hàn Quốc đưa ra vào thời điểm có tính chiến lược, qua đó Hàn Quốc đã tích cực thể hiện cam kết đối với hợp tác khu vực. Quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Hàn Quốc sẽ góp phần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN cũng như gia tăng vị thế của cả hai bên.
Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2025, các đại biểu khuyến nghị ASEAN và Hàn Quốc nên tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác hai bên đã thỏa thuận, trước hết là cùng phối hợp khắc phục hậu quả và kiểm soát đại dịch, phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Hai bên cần phối hợp hài hòa quan hệ song phương giữa Hàn Quốc với từng nước Đông Nam Á, cũng như trong các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt. Các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng và cần được ưu tiên thúc đẩy bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, an ninh nguồn nước ở tiểu vùng sông Mê Công và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với hai phiên trao đổi sôi nổi, thực chất và cởi mở, Đối thoại là hoạt động hợp tác ngoại giao kênh II có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và đối tác ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời góp phần vào nỗ lực và thành công chung của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.