Phú Thọ: Nam thanh niên đến bệnh viện cấp cứu cùng con rắn hổ mang dài 2 m
- Y học 360
- 23:03 - 19/04/2020
Thông tin trên báo Người Lao động, ngày 19/4, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho biết khuya 18/4, bệnh viện này đã cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn. Tại thời điểm nhập viện, người nhà bệnh nhân còn mang theo con rắn hổ mang dài gần 2 m đến bệnh viện.
Theo bác sĩ điều trị, nam bệnh nhân nhập viện với một vết thương ở ngón trỏ tay phải rớm máu. Cũng nhờ biết được loại rắn cắn mà các bác sĩ có phương pháp điều trị thích hợp, cứu sống bệnh nhân. Hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Các bác sĩ khuyến báo, khi thời tiết chuyển sang mùa hè, kèm theo mưa ẩm là thời điểm loài rắn vào mùa sinh sản và kiếm ăn. Vì vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác và đề phòng rắn cắn, nhất là vào ban đêm. Người dân cũng cần phát quang các bụi cây rậm quanh nhà để hạn chế rắn trú ẩn.
Về xử trí sơ cứu khi bị rắn cắn, báo điện tử VTV.VN cho biết, nếu bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần theo dõi sát như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ngay bằng cách cho nạn nhân nằm yên và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc, rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, sau đó phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng, băng quanh dọc trên vết thương và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.
Không nên băng ga-rô phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi. Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì dễ gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.