Phú Thọ: Bệnh nhi 10 tuổi có niệu quản cắm lạc chỗ hiếm gặp
- Bác sĩ
- 21:00 - 07/05/2020
Đó là trường hợp bệnh nhi là em H.A.N (10 tuổi, ở Yên Lập - Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn, đau lưng (ứ nước).
Kết quả chụp cắt lớp vi tính đa dãy có dựng hình cho thấy, hình ảnh niệu quản đôi, ứ nước thận phụ. Nội soi bàng quang hình ảnh niệu quản lạc chỗ dưới cổ bàng quang, niệu quản đôi bên T.
Ê kíp đã sử dụng phương pháp phẫu thuật: Xén nhỏ bớt niệu quản và cắm niệu quản vào bàng quang theo phương pháp Lich-Gregoir.
ThS, Bs Tuấn Anh, Phó Khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, kỹ thuật Lich-Gregoir cắm niệu quản ngoài bàng quang là kỹ thuật có ưu điểm bởi vì lỗ mở bàng quang nhỏ hơn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và xì dò nước tiểu. Ngoài ra trong kỹ thuật này, chiều dài niệu quản ngắn nên cũng tránh được biến chứng thiếu máu nuôi niệu quản. Ngoài ra ưu điểm của kỹ thuật này là rút ngắn thời gian phẫu thuật, ít có biến chứng hẹp niệu quản.
Sau một tuần phẫu thuật và điều trị, bệnh nhi đã được xuất viện và tái khám sau một tháng, thận phụ hết giãn, các chỉ số xét nghiệm ổn định.
Theo BSTuấn Anh, niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh khá hiếm gặp. Tỷ lệ 1/2000, thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn, chủ yếu xuất phát từ cực trên thận đôi. Ở trẻ nam, niệu quản thường lạc chỗ vào niệu đạo, tuyến tiền liệt, túi tinh hoặc ống dẫn tinh. Ở trẻ nữ, niệu quản lạc chỗ vào niệu đạo dưới cổ bàng quang, tiền đình, âm đạo hoặc tử cung.
Hậu quả của bệnh này gây rò rỉ nước tiểu liên tục, viêm loét, nhiễm trùng cơ quan sinh dục do nước tiểu rỉ ra liên tục, nhiễm trùng niệu kéo dài, nhiễm trùng ngược dòng, ứ mủ thận và hỏng thận phụ.
Niệu quản lạc chỗ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chức năng thận nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh bị niệu quản lạc chỗ cần được đưa đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời, BS Tuấn Anh khuyến cáo.