THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:49

Phụ nữ thụ động với quyền tài sản sau ly hôn: trắng tay, không nhà cửa

Phụ nữ thiếu quyền tài sản của mình sau ly hôn

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chung ngoài mục đích giảm thiểu sự bất bình đẳng giới về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, còn bảo vệ gia đình khỏi những hành động đơn phương của chồng và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong trường hợp ly hôn hoặc trong các tranh chấp về đất đai.

Theo nghiên cứu được LANDA và các tổ chức thành viên tiến hành thực hiện từ tháng 7- 8/2015 tại tỉnh Quảng Ngãi và Long An, với 143 phụ nữ sau ly hôn tham gia khảo sát cho thấy sau ly hôn, phụ nữ không có chỗ ở ổn định, phải về sống với cha mẹ đẻ, ở nhờ nhà người thân hoặc đi làm thuê biệt xứ. Khảo sát đã cho thấy, hiện tỷ lệ phụ nữ đứng tên chủ quyền đất ở và các loại đất khác thấp hơn so với nam giới, ở nông thôn thấp hơn ở đô thị.

Tỷ lệ hộ gia đình ở đô thị thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào GCNQSDĐ cao hơn hẳn các địa bàn nông thôn. Và dù nguồn gốc tài sản thường là bên vợ hay bên chồng thì người đứng tên trên giấy tờ thường là người chồng. Đối với những phụ nữ làm ruộng là chính, họ ít quan tâm hiểu về thủ tục đất đai, giấy tờ nên thường người chồng “đứng tên vì vợ không biết”.

Người phụ nữ thường thiếu kiến thức về quyền tài sản cũng như thiếu sự hỗ trợ tư pháp đầy đủ về hôn nhân gia đình, về quyền tài sản, trong khi đó, các tài sản chung của Vợ chồng là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, chủ yếu có liên quan đên sboos mẹ chồng hoặc gia đình bên chồng, nhất là vùng nông thôn. Ông Phạm Hải Bình, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong tình trạng đó, việc để các cặp Vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản trong ly hôn làm tăng những bất lợi thuộc về phía phụ nữ, khiến họ mất đi các cơ hội được tòa án và các bên xác minh, kiểm kê và chia cho họ phần tài sản chính đáng của mình, trong đó có nhà ở và đất sản xuất, đẩy họ ra khỏi cộng đồng và phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống tiếp theo”.

Để bảo đảm quyền tài sản nhà và đất cho phụ nữ sau ly hôn, trên thực tế, LANDA đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù có liên quan đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong tố tụng nói chung và trong thi hành án dân sự nói riêng.

Phụ nữ thực hiện quyền tiếp cận đất đai là tự bảo vệ mình

Cách đây ít lâu, một nghiên cứu về vấn đề trên do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ đã được công bố nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người đứng tên trên GCNQSDĐ: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng, 19,7% là vợ, 7,4% là người khác và 6,9% là bố mẹ.

Một số chuyên gia cho rằng, luật đã quy định hai vợ chồng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay nhà và nếu chỉ có một người đứng tên thì các giao dịch trên thực tế đều có chữ ký của người còn lại. Tuy nhiên tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới.

Hệ quả là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong mọi trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn hoặc góa bụa. Đấy là chưa kể đến khó khăn của phụ nữ trong trường hợp cần vay vốn tín dụng của Nhà nước khi chồng ốm đau hay được quyền chủ động trồng cây gì, gieo hạt gì đạt năng suất cao...

Quang cảnh buổi công bố báo cáo nghiên cứu “Thực trạng đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ sau ly hôn”

Tuy nhiên, các hội thảo về vấn đề giới, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tình trạng bạo hành gia đình nhằm vào phụ nữ còn rất cao; và một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ dễ rơi vào tình huống dễ bị tổn thương là sự lệ thuộc, trong đó sự lệ thuộc về kinh tế, quyền tài sản được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân chính. Khi người phụ nữ lấy chồng, về gia đình chồng ở, đóng góp nhiều công sức xây dựng chung; nhưng khi mục đích hôn nhân không đạt được, người phụ nữ bắt buộc phải đứng trước lựa chọn: hoặc bế con đi tay trắng, hoặc tiếp tục ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Các chuyên gia chỉ rõ, trường hợp của chị Lê Thị Lý bị chồng là Nguyễn Tiến Thịnh bạo hành ở Vĩnh Phúc ồn ào mấy năm trước là một câu chuyện điển hình.

Ngoài ra, cho dù quyền bình đẳng của phụ nữ đã được thể chế hóa trong Hiến pháp từ năm 1945, được chi tiết hóa trong các luật dân sự và các bộ luật liên quan đến tài sản khác nhau… Việt Nam cũng đã cam kết thực thi nhiều công ước quốc tế có liên quan đến quyền bình đẳng của nam và nữ.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vì nhiều lý do: tập tục văn hóa, nhận thức hạn chế của chị em phụ nữ về quyền của mình, cũng như trách nhiệm thực thi của các Cơ quan quản lý liên quan về vấn đề này chưa cao, dẫn tới tình trạng ở nhiều nơi GCNQSDĐ hiện vẫn còn chưa được ghi cả tên Vợ và tên chồng. Điều này dẫn tới việc thực hiện chính sách pháp luật không đầy đủ, tiếp tục đẩy phụ nữ vào trạng thái dễ tổn thương, cùng vô vàn hệ lụy khác dẫn tới vòng luẩn quẩn về hôn nhân và chất lượng sống không giải quyết được.

Thanh Nhung / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh