CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:02

Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu

10 triệu người bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu

Báo cáo Phát triển con người của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy, ở Việt Nam, nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ TN&MT, nếu nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập, trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và các hiểm họa có liên quan, đặc biệt là gần 70% dân số nước ta sống tại các vùng đất thấp, trong khu vực châu thổ hoặc dọc bờ biển, khu vực miền núi. Theo Bộ TN&MT, khi nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng gần 35% dân số các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và trên 9% dân số đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều đó có nghĩa là trên 10 triệu người, chiếm 11% tổng dân số sẽ bị tác động trực tiếp, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 6,1 triệu người. Như vậy, 11% dân số này có thể sẽ phải di dời đến nơi ở mới.

Phụ nữ nông thôn bị tác động nhều do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, thời vụ, tăng nguy cơ bệnh dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô dẫn đến hạn hán nhưng lại quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm đến cạn kiệt do khai thác quá mức cho nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất điện năng nhưng lại thiếu nguồn nước bổ sung.

Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số miền núi, người già, trẻ em và phụ nữ. Hậu quả của biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với các mục tiêu dân số, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước.

Phụ nữ chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu

Khu vực nông thôn có 64% phụ nữ so với 53% nam giới tham gia vào sản xuất nông nghiệp và phải đối mặt với các rủi ro về mất mùa do hạn hán và mưa bất thường. Biến đổi khí hậu cũng góp phần làm cho nguồn nước trở nên bấp bênh hơn, điều này làm tăng thêm gánh nặng công việc của phụ nữ trong việc tham gia vào công việc đồng áng quy mô nhỏ. Vì họ phải bỏ nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị đất, lấy nước, tưới nước và bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh.

Nghiên cứu của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu. Bình thường, khi chưa chịu tác động của biến đổi khí hậu, họ đã là lực lượng phải đảm đương vấn đề an ninh lương thực cho gia đình, có trách nhiệm chăm sóc gia đình. Còn khi có tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khan hiếm nguồn nước ngọt thì họ phải lo thêm việc trữ nước, lo nước tưới cho ruộng vườn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ phận về biến đổi khí hậu và giảm rủi ro thiên tai của Tổ chức Care tại Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, phụ nữ đóng một vai trò then chốt, không chỉ vì họ tạo nên gần một nửa dân số của quốc gia mà còn vì họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong nền kinh tế nông thôn và đô thị cũng như trong xã hội. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái thường được coi là "phụ" hoặc "thụ động" trong vấn đề ứng phó với thiên tai, mặc dù đóng góp của họ là đáng kể trong việc cùng với nam giới và trẻ em trai xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi gia đình, cộng đồng góp phần giảm nhẹ rủi ro.

Theo bà Yến, với những nhóm phụ nữ khác nhau cần có giải pháp khác nhau. Cụ thể, đối với vấn đề sinh kế, cần phải xây dựng chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng dựa trên đặc điểm tự nhiên, tập quán, đặc thù văn hóa… Ngoài ra, theo đề xuất của bà Yến, các chương trình bảo hiểm, bảo trợ xã hội hiện nay cũng cần phải làm thế nào lồng ghép cho được các yếu tố biến đổi khí hậu vào vì như vậy mới có thể đảm bảo cho những đối tượng/nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này thích ứng được với những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu gây ra.

Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: Phụ nữ đang phải chịu gánh nặng không công bằng liên quan tới biến đổi khí hậu và nghèo đói trên thế giới. Hai vấn đề này luôn song hành với nhau. Việt Nam có hơn 12 triệu phụ nữ nông dân, việc lệ thuộc gần như hoàn toàn vào đất đai, tài nguyên để tạo ra kế sinh nhai, khiến người phụ nữ dễ bị tổn thương hơn bởi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh