CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Cuộc sống của các "Phú nhị đại" Trung Quốc ở Vancouver

 

 Cha Guo là một doanh nhân trong lĩnh vực than, thường xuyên phải bay qua bay lại giữa Vancouver (Canada) và Thiểm Tây (Trung Quốc). Còn Andy hiện theo học Đại học British Columbia.
Chiếc xe trị giá 360.000 đôla Canada này dĩ nhiên có ý nghĩa thời trang hơn là chỉ để lái. "Tôi để cả ba lô, sách và quần áo trong này. Có lần, tôi còn bị cảnh sát chặn lại chỉ để anh ta nhìn cái xe", Andy nói.
kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh vài thập kỷ qua đã biến rất nhiều người thành tỷ phú. Một số người giàu vì thế cũng tích cực đưa của cải và người thân ra nước ngoài. Do ở đây có không khí trong lành, trường học tốt và luật lệ cũng khiến họ yên tâm hơn.
Tiền tệ yếu và chính sách cởi mở với người nhập cư đã biến Canada thành điểm đến của giới nhà giàu Trung Quốc. Theo số liệu của Chính phủ Canađa , từ năm 2005 - 2012, ít nhất 37.000 triệu phú Trung Quốc đã trở thành công dân British Columbia - tỉnh cực tây Canada, nổi tiếng với thành phố cảng Vancouver.

Loretta Lai, Chelsea Jiang và Diana Wang đến một đại lý của Lamborghini tháng trước. Ảnh: NYT

Thành phố 2,3 triệu dân này ngày càng đón nhiều người Trung Quốc. Năm 2011, số người này chiếm hơn 18%, tăng mạnh so với chỉ chưa đầy 7% năm 1981.
Rất nhiều cư dân cho rằng, cơn bão vốn đầu tư từ Trung Quốc đã gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất tại đây. Giá nhà Vancouver hiện đắt nhất Canada, theo một khảo sát năm nay của hãng tư vấn Demographia. Giá nhà trung bình đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2005 - 2015, lên 1,6 triệu đôla Canada (1,2 triệu USD).
Những cư dân tại đây nổi giận vì sự xuất hiện của những người mua giàu có, nhưng rồi lại bỏ không nhà cửa. Chính quyền địa phương đầu năm nay đã phải cam kết theo sát việc sở hữu nhà của người nước ngoài, theo yêu cầu của các chính trị gia.
Dù vậy, sự tức giận này chẳng có mấy ảnh hưởng lên cuộc sống xa hoa của giới nhà giàu Trung Quốc ở Vancouver. Tiền với họ không quan trọng. Sau khi mua nhà, họ sẽ mua ôtô, và vài thứ khác nữa.
Rất nhiều đại lý xe sang ở đây đã tuyển lao động Trung Quốc để bắt kịp xu hướng này. Năm 2015, khoảng 2.500 xe giá trên 150.000 USD đã được bán ra tại Vancouver, tăng gấp đôi so với năm 2009.
Chủ nhân của các siêu xe này đa phần là "phú nhị đại"-  thế hệ con của những người giàu có Trung Quốc. Tại quê nhà, nhóm người này thường xuyên bị chỉ trích vì lối sống quá xa hoa.

Jiang thử cảm giác bên trong một chiếc Lamborghini tại đây. Ảnh: NYT

Đến Vancouver, phong cách của họ vẫn vậy. Lamborghini trắng được các cô gái yêu thích nhất. Còn các chàng trai thường đổi siêu xe chỉ sau vài tháng để lấy cái mới hoàng tráng hơn.
Hàng trăm người trẻ Trung Quốc tại đây đã mở các câu lạc bộ siêu xe. Thành viên trong nhóm sẽ tụ tập với nhau để cùng lái, chụp ảnh và "độ" những chiếc xế đắt tiền.
Vancouver Dynamic Auto Club hiện có 440 thành viên. 90% là người Trung Quốc. Người sáng lập câu lạc bộ - David Dai năm nay 27 tuổi. Anh cho biết, để gia nhập, mỗi thành viên phải có ít nhất một xe giá trên 77.000 USD. "Họ có làm việc đâu, chỉ tiêu tiền của cha mẹ thôi mà", Dai nhận xét về thế hệ phú nhị đại ở Vancouver.
Thường thì những người này khá ham mê tốc độ. Năm 2011, cảnh sát Vancouver đã bắt 13 chiếc Lamborghini, Maserati và nhiều siêu xe khác trị giá 2 triệu USD, vì đua xe tốc độ 200km mỗi giờ trên đường cao tốc. Lái xe đều là các thành viên của một câu lạc bộ siêu xe Trung Quốc và chưa tròn 21 tuổi.
Gần đây, một sự kiện chỉ dành riêng cho các khách được mời của Rolls-Royce ở Vancouver đã thu hút rất nhiều người trẻ Trung Quốc. Được trưng bày là chiếc Dawn đen đỏ có giá 402.000 USD. Đây là chiếc duy nhất tại Bắc Mỹ.
Một trong những người đến dự là Jin Qiao (20 tuổi), hiện là sinh viên mỹ thuật. 6 năm trước, cậu theo mẹ từ Bắc Kinh tới đây. Jin hiện có 2 chiếc SUV của Mercedes-Benz, nhưng chỉ để dùng trong những ngày rét.
Tài sản giá trị nhất của cậu là Lamborghini Aventador Roadster galaxy 600.000 USD, được trang trí mô phỏng không gian vũ trụ. "Ở Vancouver có quá nhiều người giàu. Khoe khoang một chút thì có làm sao?", cậu cho biết.
Vì thuế nhập khẩu và thuế xe sang ở Trung Quốc khá cao, siêu xe ở Canada thường có giá rẻ hơn tới 50%. Bên cạnh đó, ở Canada, người ta cũng ít đặt câu hỏi về nguồn gốc tài sản hơn ở Trung Quốc.
Dù vậy, một số người di cư Trung Quốc vẫn cho rằng siêu xe là khoản đầu tư không tốt, do giá trị của chúng sẽ giảm dần. " Thà chi 500.000 USD mua 2 chiếc đồng hồ xịn hoặc vài viên kim cương còn hơn", Diana Wang (23 tuổi) cho biết. Cô sinh viên tốt nghiệp Đại học British Columbia này hiện sở hữu hơn 30 túi Chanel và đồng hồ Richard Mille nạm kim cương 200.000 USD.
Wang thường lái Ferrari hay Mercedes-Maybach của cha mẹ khi còn ở Thượng Hải. Nhưng khi đến Canada, họ chỉ giới hạn tiền mua ôtô cho cô là 115.000 USD. Thế nên ở đây, cô sử dụng một chiếc Audi RS5 kém hào nhoáng hơn.
"Tôi có thể gặp nguy hiểm nếu bị bắt gặp đi siêu xe", Wang nói. 4 năm trước, sau khi chứng kiến nhiều bạn bè bị chỉ trích vì thói quen tiêu hoang, Wang đã giả làm người vô gia cư, sống trên đường phố Vancouver 3 ngày.
Cô cũng xếp hàng nhận đồ ăn từ thiện, trải nghiệm sự phân biệt đối xử khi bị đá ra khỏi một cửa hàng đồ ăn nhanh, vì ngủ gục tại bàn. Việc này đã giúp Wang nhận ra giá trị đồng tiền. "Trước đó, tôi chẳng bao giờ nhìn mác giá đâu. Giờ thì phải nhìn rồi", Wang nói.

Theo NYT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh