CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:52

Phụ huynh "sốc" khi bác sĩ nha khoa không cho con súc miệng lại bằng nước khi đánh răng: Chuyên gia tiết lộ sự thật

 

Ít giờ trước, một bà mẹ tên M.T.N đăng tải trên mạng xã hội những dòng bày tỏ sự hoang mang tột độ khi không biết những năm qua mình đã chăm sóc răng con đúng hay sai, có gây hại chì cho trẻ hay không.

Cụ thể, chị N. cho biết trong một lần đưa con đi khám răng, bác sĩ phát hiện bé có 1 lỗ nhỏ trên răng cần trám nên dặn người mẹ về đổi sang kem đánh răng người lớn cho con dùng, vì kem người lớn có nồng độ fluoride là 1450ppm giúp răng chắc khỏe.

Chưa hết, bác sĩ còn bảo người mẹ khi đánh răng phải trong thời gian 2 phút và chỉ nhổ kem dư ra chứ không được súc miệng bằng nước sạch.

Điều này khiến người mẹ rất "sốc" khi thời gian qua, chị đều đánh răng cho con và chính mình bằng cách súc miệng thật nhiều nước cho đến khi sạch hẳn. Bác sĩ tiếp tục giải thích, rằng súc bằng nước sẽ trôi sạch fluoride.

Phụ huynh sốc khi bác sĩ nha khoa không cho con súc miệng lại bằng nước khi đánh răng: Chuyên gia tiết lộ sự thật - Ảnh 1.

Những dòng chia sẻ của người mẹ trẻ lan truyền trên mạng xã hội.

Chia sẻ của bà mẹ đã lập tức được cộng đồng mạng lan truyền nhanh chóng. Nhiều người tỏ ra đồng tình với bác sĩ nhưng cũng không ít ý kiến phản bác.

Để tìm hiểu thực hư thông tin trên, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt Huỳnh Lê Hải Trình, người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực nha khoa tại TP.HCM.

- Thưa bác sĩ, chất fluoride trong kem đánh răng là chất gì, lợi và hại thế nào?

Fluor là một khoáng chất khá phổ biến trong vỏ trái đất. Trong nha khoa người ta thường dùng fluor dưới dạng muối với natri hoặc thiếc, gọi chung là muối fluoride, hay ngắn gọn là fluoride.

Fluoride được chứng minh là giúp tăng sức đề kháng của răng với sâu răng. Fluoride thường được bổ sung trong kem đánh răng, nước súc miệng, thực phẩm chức năng, nước máy ở những vùng trong chương trình fluor hóa nước máy.

Bên cạnh lợi ích, việc dùng quá mức fluor có thể dẫn đến ngộ độc, nhiễm fluor răng, nhiễm fluor xương.

- Kem đánh răng ở trẻ khác kem đánh răng người lớn như thế nào. Có ý kiến cho rằng trẻ nên dùng kem đánh răng người lớn vì có nồng độ fluoride là 1450ppm giúp răng chắc khỏe, bác sĩ nhận định gì về điều này ạ?

So với kem đánh răng cho người lớn, kem đánh răng cho trẻ em thường có mùi và vị dễ chịu hơn, và nồng độ fluoride thấp hơn.

Phụ huynh sốc khi bác sĩ nha khoa không cho con súc miệng lại bằng nước khi đánh răng: Chuyên gia tiết lộ sự thật - Ảnh 2.

Sâu răng ở trẻ em.

Trẻ em dưới 6 tuổi thường không tránh khỏi việc nuốt kem đánh răng, mà theo vài nghiên cứu có thể lên tới 60% lượng kem đánh răng.

Việc nuốt nhiều kem đánh răng kéo dài, đặc biệt trên những trẻ đang dùng những nguồn bổ sung fluoride khác như nước máy hay thực phẩm chức năng, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm fluor răng, biểu hiện thường gặp nhất (và nhẹ nhất) là những đốm trắng trên bề mặt răng.

Nồng độ fluor trong kem đánh răng trẻ em thường được khuyên là dưới 1000ppm, ở người lớn là khoảng 1500ppm. Do đó nên cho trẻ dùng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi.

- Đánh răng không cần dùng nước súc miệng là đúng hay sai, dùng nước có làm trôi fluoride không. Nếu sai thì gây hậu quả gì?

Đánh răng xong chỉ cần nhổ bỏ phần kem đánh răng còn lại trong miệng. Không nên súc lại bằng nước vì sẽ pha loãng và rửa trôi phần fluoride còn lại làm giảm hiệu quả ngừa sâu răng của fluoride trong kem đánh răng.

- Nhưng nếu không súc miệng bằng nước sạch có gây nhiễm fluor không?

Nồng độ fluoride khi chúng ta đánh răng nuốt vào không đáng kể. Chỉ cần chọn kem có nồng độ fluor thích hợp thì không có vấn đề gì.

- Tình trạng chảy máu chân răng và tụt lợi có phải do đánh răng sai cách và do gene như tâm sự của bà mẹ trên mạng hay không. Xin bác sĩ chia sẻ những nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Tình trạng chảy máu chân răng đa số là do viêm nướu. Nguyên nhân viêm nướu thường là do vôi răng. Kể cả đánh răng đúng cách, vẫn có những vùng vôi răng hình thành.

Vôi răng chỉ có thể được lấy bởi những người được đào tạo chuyên môn. Người dân nên đến khám tại bác sĩ nha khoa mỗi 6 tháng để lấy vôi răng.

Ngoài nguyên nhân viêm nướu, nếu đánh răng bằng bàn chải quá cứng, bằng lực quá mạnh hoặc không đúng kỹ thuật gây tổn thương nướu thì cũng có thể gây chảy máu nướu.

Tổn thương kéo dài có thể gây tụt lợi. Tuy nhiên tụt lợi còn có rất nhiều nguyên nhân khác, cần đi khám để chắc chắn, tránh tự chẩn đoán và điều trị tại nhà.

- Ngoài đánh răng đúng cách, mong bác sĩ chia sẻ những cách phòng tránh sâu răng, bảo vệ răng miệng cho người lớn và trẻ nhỏ?

Một cách tổng quát, các phương pháp chăm sóc răng có thể tự thực hiện bao gồm:

Đánh răng đúng

Dùng chỉ nha khoa thường xuyên, ít nhất một lần một ngày vì đánh răng không làm sạch hết mọi bề mặt răng. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa là hai việc bổ sung cho nhau, không thay thế được cho nhau, đều cần phải quan tâm như nhau.

Phụ huynh sốc khi bác sĩ nha khoa không cho con súc miệng lại bằng nước khi đánh răng: Chuyên gia tiết lộ sự thật - Ảnh 4.

Bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra răng cho trẻ.

Khám răng định kỳ 6 tháng một lần: giúp loại bỏ vôi răng, phát hiện bệnh lý răng miệng sớm và điều trị sớm. Đối với trẻ em, cần cho đi khám răng sớm sau khi những răng đầu tiên bắt đầu mọc.

Việc này giúp trẻ quen với việc khám răng, hợp tác tốt với bác sĩ trong trường hợp phải điều trị sau này. Ngoài ra, bác sĩ sẽ phát hiện những vấn đề cụ thể của từng trẻ để tư vấn cách chăm sóc phù hợp.

Cuối cùng, cần tránh các hoạt động hoặc thói quen xấu gây hại cho răng.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Cách đánh răng đúng cho người lớn và trẻ nhỏ.

Để đánh răng đúng cách cần ghi nhớ những điều sau đây:

Đúng thời điểm: Nên đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Mỗi ngày đánh răng ít nhất 2 lần, mỗi lần ít nhất là 2 phút. Với trẻ em đang đi học, cần mang bàn chải và kem đánh răng đến trường để đánh răng sau bữa trưa.

Đúng loại kem đánh răng và bàn chải: Chọn kem đánh răng phù hợp độ tuổi. Lượng kem đánh răng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi chỉ cần bằng hạt gạo, trẻ lớn hơn và người lớn có thể bằng hạt đậu, kích thước thường được in trên vỏ hộp kem đánh răng. Chọn bàn chải lông mềm (ở trẻ nhỏ có loại lông bằng silicon, mềm, giúp trẻ làm quen với bàn chải), kích thước vừa phải, làm sao để có thể dễ dàng đi đến mọi răng trong miệng. Đối với trẻ nhỏ, nên chọn bài chải có cán lớn, dễ cầm và điều khiển. Nếu trẻ thích có thể dùng bàn chải máy.

Đúng kỹ thuật: Chọn lựa kỹ thuật sao cho đánh sạch các bề mặt răng và cả nướu. Đối với người lớn, đặt bàn chải nghiêng 45 độ hướng về phía cổ răng, đầu lông bàn chải nằm trong khe nướu, di động nhẹ nhàng tới lui rồi xoay bàn chải hất về phía mặt nhai, trong khi lông bàn chải vẫn tiếp xúc răng. Di chuyển từng khoảng nhỏ, có chồng lấn để không bỏ sót vùng răng nào. Nên làm theo thứ tự để thành thói quen.

Đối với trẻ em điều quan trọng nhất không phải là tập kỹ thuật mà là tạo ý thức và thói quen. Trẻ chưa có khả năng điều khiển tay một cách linh động như người lớn, nên cần phải có sự hỗ trợ của người lớn cho tới ít nhất là 7 tuổi. Cần tập cho trẻ tự đánh răng, sau đó người lớn cần đánh lại cho sạch.

Hoàng Lê

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh