Phòng tránh một số bệnh có thể gặp trong những ngày thi
- Sức khỏe
- 14:24 - 20/04/2015
Các bệnh đường ruột thường gặp
Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy do thức ăn ôi thiu
Đây là sự biến chất của các acid amin, quá trình thủy phân và ôxy hóa chất béo tạo nên chất gây độc cho cơ thể. Khi bị nhiễm độc loại thực phẩm này, thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ khoảng từ 30 phút đến 3 giờ sau ăn.
Biểu hiện chung của các ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra là nôn, đau bụng từng cơn, tiêu chảy liên tục (trên 3 lần trong 24 giờ), phân lỏng, sền sệt hoặc toàn nước có khi lẫn máu, chất nhày như mũi. Rối loạn điện giải, đôi khi kèm tức ngực, khó thở... Vi khuẩn gây bệnh hay gặp nhất là vi khuẩn đường ruột như tụ cầu vàng, lỵ amíp...
Bệnh tả: Tả là một bệnh liên quan chặt chẽ đến ATVSTP và vệ sinh ăn uống. Bệnh rất dễ gây thành dịch. Đường lây bệnh là đường phân - miệng. Những người mắc bệnh tả điển hình thường có rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần trong một ngày đêm, phân lỏng, đôi khi có chất lổn nhổn như hạt cơm.
Bệnh thương hàn: Là một trong các bệnh đường ruột hay gặp vào mùa hè, liên quan đến ăn uống không hợp vệ sinh. Bệnh do vi khuẩn salmonella gây ra. Bệnh rất dễ gây thành dịch. Người mắc bệnh thương hàn thường có rối loạn tiêu hóa như đau quặn bụng, đi ngoài. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, nguy hiểm hơn là thủng ruột do thương hàn.
Bệnh lỵ trực khuẩn: Bệnh này cũng là một bệnh về đường tiêu hóa do vi khuẩn shigella gây nên. Bệnh rất dễ gây thành dịch. Đường truyền bệnh cũng là phân - miệng. Trong các týp shigella thì týp I là rất nguy hiểm do S.shiga gây nên. Týp vi khuẩn này gây bệnh bằng ngoại độc tố vì vậy triệu chứng lâm sàng do týp này gây ra rất rầm rộ, dễ dẫn đến nguy kịch và gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Bệnh lỵ amip: Bệnh này do ký sinh trùng amíp gây nên. Bệnh kiết lỵ cũng liên quan đến vấn đề ăn uống, nhất là ăn rau sống, uống nước lã. Bệnh rất dễ lây lan trong gia đình và lây cho người xung quanh.
Các bệnh lây lan qua đường hô hấp
Như viêm niêm mạc họng, mũi, tai, sốt virut, sởi, Rubella, viêm màng não do não mô cầu dễ xảy ra khi có mầm bệnh và trong điều kiện ăn ở chật hẹp. Các bệnh do côn trùng truyền bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng thường phát sinh vào mùa hè.
Do nóng bức, nếu ngủ không mắc màn sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loài muỗi đốt hút máu và truyền mầm bệnh. Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam.
Các bệnh không truyền nhiễm
Say nắng, say nóng: Triệu chứng của bệnh là tăng thân nhiệt đột ngột có khi lên đến trên 40-41oC, kèm theo rối loạn ý thức (mê sảng, lịm...), mất ý thức hoặc hôn mê sâu (thể nặng). Bệnh say nắng hay xảy ra trong mùa hè đặc biệt là giữa trưa oi bức, ánh nắng mặt trời nhiều tia tử ngoại, còn say nóng thường xảy ra vào lúc xế chiều trong những ngày oi bức, không có gió, ánh nắng mặt trời có nhiều tia hồng ngoại. Nếu không xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh do thay đổi nhiệt độ đột ngột: Về mùa hè, tuy trời nóng nhưng cũng không nên tắm quá nhiều lần trong ngày. Không nên tắm ngay khi đang mệt hoặc sau khi vận động nhiều chưa được nghỉ ngơi. Không nên từ ngoài nắng vào nhà bật máy lạnh ngay hoặc ngược lại. Máy lạnh cũng không nên để lạnh quá, nhiệt độ đặt máy chỉ nên chênh 8-10oC so với nhiệt độ bên ngoài là hợp lý (26oC là nhiệt độ thích hợp nhất với cơ thể).
Phòng bệnh như thế nào?
Nên ăn chín, uống sôi. Khi mắc tiêu chảy, người bệnh phải được uống đủ nước, tốt nhất là nước oresol, uống nhiều nước hoa quả. Bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cần quản lý và xử lý phân thật tốt, tránh lây lan.
Đối với những bệnh mắc phải do côn trùng truyền bệnh cần nằm màn, tẩm màn bằng các loại thuốc xua muỗi hoặc xoa kem chống muỗi, dùng hương xua muỗi (nhất là các vùng dân cư có dịch lưu hành).
Để phòng bệnh say nắng, say nóng, khi đi, đứng ngoài trời nắng cần đội mũ, nón rộng vành, không để da tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời. Tại các nơi tập trung đông người nhất là tại phòng thi cần có hệ thống thông gió thật tốt. Khi tiết trời nóng bức nên uống nước có pha muối để tránh mất nước và chất điện giải.
Để phòng bệnh do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không nên ngồi trong phòng điều hòa quá 2 giờ đồng hồ mỗi lần. Uống nhiều nước cũng là cách chống khô họng khi phải ngồi trong phòng điều hòa quá nhiều, quá lâu. Bên cạnh đó, nên để một chậu nước trong phòng điều hòa, lau sàn nhà bằng giẻ thấm nước và mỗi khi đi từ phòng lạnh ra ngoài nên mở to cửa và đứng ở cửa khoảng 2-3 phút để cơ thể thích nghi với không khí mới.