CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

Phóng thả muỗi vằn mang Wolbachia để chiến đấu với Zika ở Nha Trang

 

Theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt, Dự án sẽ triển khai các hoạt động chuẩn bị và sẽ thả muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang Wolbachia tại 2 khu vực ở phía Bắc và phía Nam của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống. Khu vực thả muỗi phía Bắc gồm hai phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ. Khu vực thả muỗi phía Nam gồm phường Vĩnh Trường và bốn tổ dân phố của phường Phước Long (giáp với Vĩnh Trường).

 

 Biểu đồ quá trình thay thế muỗi vằn tự nhiên bằng muỗi có wolbachia

 

Dự án đã lập bản đồ chia 773 ô thả muỗi trên địa bàn hai khu vực nói trên. Mỗi ô thả muỗi được xác định là một hình vuông có kích thước 50m x 50m (diện tích 2.500m2). Từ tháng 3/2017, mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong mỗi ô như vậy trong thời gian khoảng 12-18 tuần để làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và Zika.

Sau khi được thả, vi khuẩn Wolbachia sẽ dần lan truyền và phát triển nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh). Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sẽ đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Do hai cơ chế trên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh SXHD và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng

 

    Muỗi truyền bệnh sẽ sớm bị loại trừ


Muỗi vằn dùng để thả ở Nha Trang về cơ bản là muỗi có nguồn gốc từ chính thành phố Nha Trang. Những con muỗi vằn cái mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên (muỗi giống nuôi trong phòng thí nghiệm) được cho giao phối với muỗi vằn đực tự nhiên của thành phố Nha Trang để đẻ ra thế hệ muỗi con mang Wolbachia. Các con muỗi cái mang Wolbachia của thế hệ này lại tiếp tục được cho giao phối với muỗi vằn đực tự nhiên của thành phố Nha Trang để sinh ra thế hệ muỗi thứ hai mang Wolbachia. Cứ như vậy, qua nhiều thế hệ, kết quả là Dự án đã có được dòng muỗi vằn mang Wolbachia của Nha Trang. Trước và trong toàn bộ quá trình nuôi và nhân giống, muỗi được kiểm nghiệm chặt chẽ để đảm bảo chúng không mang bất kì mầm bệnh nào.

Vi khuẩn Wolbachia là một loại vi khuẩn nội bào, chúng sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, trong đó có nhiều loài sống gần người như bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm và một số loài muỗi. Tuy nhiên muỗi vằn trong tự nhiên, trung gian truyền bệnh SXHD và Zika, lại không mang vi khuẩn Wolbachia.

Dựa trên những đánh giá khoa học toàn diện về tính an toàn tại Australia, Việt Nam, và Indonesia cũng như kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng, phương pháp Wolbachia đã được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của vi-rút Dengue và Zika trong cơ thể muỗi vằn. Vào tháng 3/2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị mở rộng nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia như một trong những phương pháp tiềm năng để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phòng, chống vi-rút Zika. Tại đảo Trí Nguyên và những khu vực đã triển khai Dự án ở một số quốc gia khác, Dự án đều nhận được sự ủng hộ cao từ các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng. 

Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam là một dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà, và Đại học Monash (Australia) trong khuôn khổ Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết toàn cầu. Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết là một chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận do trường Đại học Monash (Australia) chủ trì. Mục tiêu dài hạn của chương trình là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền SXHD và Zika. Hiện tại, chương trình đã và đang triển khai phương pháp Wolbachia tại Australia, Việt Nam, Indonesia, Brazil, Colombia và tiếp tục mở rộng ra một số quốc gia khác. Chương trình được sự hỗ trợ của chính phủ các nước và các nhà tài trợ, bao gồm Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID), Quỹ Tahija và Quỹ Gia đình Gillespie.

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh