Phòng LĐ-TB&XH huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa): Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2014
- Tra cứu phẫu thuật
- 01:39 - 09/01/2015
Đối với chính sách giảm nghèo bảo trợ xã hội, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ra quyết định công nhận hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đó, trong năm huyện còn 9.393 hộ nghèo (giảm 2,8 % so với năm 2013); hộ cận nghèo là 9.827 hộ (giảm 1,47% so với năm 2013).
Tổ chức cấp 122,130 tấn gạo cho 4.101 hộ với 8.142 khẩu khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt (Trong đó ngân sách huyện hỗ trợ mua 3.405 tấn gạo cho 71 hộ với 227 khẩu 5 thôn thuộc 2 xã Tân Trường và Phú Sơn ).
Cứu trợ đột xuất các đối tượng chết đuối, cháy nhà... 115 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng đã tổ chức cấp kinh phí chúc thọ, mừng thọ cho 2.539 cụ cao tuổi với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Mua thẻ BHYT cho 86.689 người, trong đó: đối tượng hộ nghèo 23.906 người; đối tượng hộ cận nghèo 1.732 người; đối tượng BTXH 8.212 người, đối tượng khác 12.220 người và 28.969 trẻ em.
Ngoài ra, phòng thực hiện tốt kế hoạch hỗ trợ BHYT cho đối tượng cận nghèo của dự án quản lý y tế Bắc Trung bộ đã mua 11.650 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo.
Việc mua và cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng được đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các đối tượng. Phòng đã duyệt hồ sơ, tham mưu cho lãnh đạo huyện ra quyết định kịp thời giúp 820 đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội mới, quyết định thôi hưởng kịp thời đối với 1020 đối tượng.
Khu kinh tế Nghi Sơn thu hút nhiều lao động nghề may cho huyện Tĩnh Gia.
Phòng cũng đã thực hiện Nghị định số: 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng kinh phí đã cấp: 28 tỷ đồng cho 11.425 người.
Song song với việc thực hiện tốt chính sách với người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, Phòng còn thực hiện có hiệu quả trong việc giải quyết việc làm mới cho 10.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 60 người; tổ chức điều tra cung - cầu lao động năm 2014; tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn huyện năm 2014.
Đối với chính sách NCC, Phòng đã tổ chức thực hiện tốt như: Chi trả trợ cấp hàng tháng, quà lễ tết, tặng quà cho 1.250 đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chi tiền thờ cúng liệt sỹ, điều dưỡng, cấp tiền ưu đãi học sinh, sinh viên con NCC, thăm hỏi đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, với tổng kinh phí 106 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định 49/ NĐ - CP về việc cấp bù chi phí học tập cho 6.000 học sinh, tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng; rà soát dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có 7.681 người (trong đó 1.921 người còn sống); làm mới và tu sửa 57 nhà cho đối tượng chính sách, với kinh phí 1,879 tỷ đồng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh ra QĐ hưởng chế độ chất độc hoá học 23 người; tổ chức triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng theo chỉ thị số 23/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các lĩnh vực khác, Phòng đã triển khai xây dựng 4 mô hình điểm về phòng chống tệ nạn xã hội và ngăn ngừa trình trạng trẻ em bị ngược đãi, lao động nặng nhọc, nghề nguy hiểm...tại 4 xã Xuân Lâm, Hải Hoà, Hải Ninh, Tân Trường.
Người lao động của huyện Tĩnh Gia trước khi xuất cảnh sang làm việc tại thị trường Ả rập Xê út
Tổ chức đào tạo nghề cho 78 lao động xã Tân Trường theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Phòng đã tham mưu cho lãnh đạo huyện giải quyết dứt điểm đơn thư của công dân về lĩnh vực LĐ-TB&XH.Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Khắc Đạo, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tĩnh Gia cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND huyện, sự nỗ lực trong công việc của tập thể cán bộ, nhân viên phòng.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với NCC với cách mạng, chính sách an sinh xã hội.
Đẩy mạnh công tác XKLĐ; mở rộng, du nhập, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống, từ đó xóa dần khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng, hộ nghèo và hộ giàu trên địa bàn huyện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2015, Phòng kiến nghị với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính và Công ty sản xuất phần mềm 2.0 có sự thống nhất và hướng dẫn chi tiết quy trình quản lý cũng như cách thức cập nhật và khai thác dữ liệu (có tài liệu bằng văn bản) để chúng tôi thực hiện đồng bộ, hiệu quả phần mềm quản lý an sinh xã hội 2.0 về đối tượng bảo trợ xã hội và BHYT.
Cần có chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đặc biệt là khu kinh tế Nghi Sơn.