Phòng, chống và giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng
- Y học 360
- 09:54 - 17/07/2022
Kế hoạch nhằm phòng, chống và giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững tại địa phương.
Theo đó, trong năm 2022, TP Đà Nẵng phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; 80% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thúc đúng về vấn đề này. Tăng dần tỷ lệ này trong các năm tiếp theo.
Đến năm 2025, thành phố phấn đấu 100% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 70% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015. Mỗi năm phát hiện sớm qua sàng lọc, đánh giá nguy cơ và can thiệp tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 20% trên tổng số người uống rượu, bia mức nguy hại.
Phấn đấu 30% số người nghiện rượu, bia được khám sàng lọc phát hiện sớm và được tư vấn, điều trị cai nghiện và tái nghiện tại cộng đồng, đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50%; 20% số người nghiện rượu, bia được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia...
100% cán bộ y tế chuyên trách được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, điều trị hướng dẫn cai nghiện.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai và thực hiện thống nhất các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia từ cấp thành phố đến cấp xã, phường. Rà soát, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên toàn thành phố, trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng đến các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, quản lý, vận chuyển, tiêu thụ nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân trên địa bàn.
Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể và phát huy vai trò chủ động của các ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan và UBND các cấp trong việc triển khai tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.