THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:34

Phòng, chống dịch COVID-19: Việc tự cách ly tại nhà có thể giúp hệ thống y tế Mỹ tránh được tình trạng quá tải

Sau đây là bài phân tích được đăng tải trên báo Vox về hiệu quả của các biện pháp "cách ly xã hội" đang được chính phủ Mỹ kêu gọi người dân tuân thủ, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Bài viết cũng đề cập tới những mối lo ngại về khả năng ứng phó dịch bệnh của hệ thống y tế Mỹ:


Trong cuộc họp báo ngày 9/3, Tiến sĩ Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng "rất nhiều người Mỹ có thể sẽ phơi nhiễm với loại virus này vào một thời điểm nào đó trong năm nay hoặc năm sau".

Còn ông Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại đại học Havard, cho rằng "có khả năng" sẽ có từ 20%-60% số người trưởng thành ở Mỹ sẽ nhiễm COVID-19.

Cho tới nay, khoảng 80% số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đều ở thể nhẹ, nhưng nếu tỉ lệ tử vong do dịch bệnh này ở Mỹ tăng lên khoảng 1% (theo dự đoán của một số chuyên gia), thì viễn cảnh hàng chục, hàng trăm ngàn người tử vong do COVID-19 tại Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu nói về những hậu quả của dịch bệnh, thì tốc độ lây lan của virus là một trong những yếu tố quyết định. Điều khiến các nhà dịch tễ học lo sợ nhất là hệ thống y tế trở nên quá tải khi dịch bệnh bùng phát, và số người cần nhập viện chữa trị vượt quá tầm khả năng xử lý của các bệnh viện. Nếu điều đó xảy ra, thì rất nhiều người sẽ phải bỏ mạng do không đủ giường bệnh hay máy thở để giúp họ duy trì mạng sống.

Nhưng tất nhiên là nguy cơ các bệnh viện quá tải có thể được hạn chế bằng các biện pháp phòng dịch đang được áp dụng ngày càng phổ biến như tạm thời đóng cửa trường học, hủy các sự kiện/buổi tụ tập đông người, làm việc từ xa, tự cách ly, tự tránh xa các đám đông... nhằm ngăn chặn nguy cơ virus lây lan nhanh.

Các nhà dịch tễ học Mỹ gọi chiến lược phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh này là "flattening the curve" (tạm dịch: làm phẳng đường cong), được thể hiện trong biểu đồ sau đây:

Báo Mỹ: Các biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả thế nào đối với việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan? - Ảnh 3.

Nguồn: Vox

"Cho dù tổng số ca bệnh không thể giảm xuống, thì việc làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh vẫn rất quan trọng", ông Carl Bergstrom, nhà sinh vật học tại Đại học Washington chia sẻ trên Twitter về biểu đồ nói trên. Sau đó, nhờ hashtag #FlattenTheCurve, biểu đồ này đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Vậy, làm thể nào để "làm phẳng đường cong"? Theo Vox, đó chính là những biện pháp "cách ly xã hội" (social distancing) đang được triển khai tại những quốc gia như Italy, Hàn Quốc, hay một số khu vực có quy mô nhỏ hơn như thành phố Seattle (bang Washington) và Hạt Santa Clara (bang California), Mỹ. Các biện pháp này không hẳn là phòng ngừa dịch bệnh, mà mục đích của chúng là làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh.

CDC đã khuyến nghị những người dân trên 60 tuổi và những người có bệnh mãn tính - hai nhóm người dễ nhiễm COVID-19 nhất - nên "tránh xa đám đông nhiều nhất có thể".

"Càng có nhiều người làm điều đó, thì dịch bệnh càng chậm lây lan", bà Emily Landon, một nhà dịch tễ học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Chicago, cho biết. "Điều đó có nghĩa là mẹ tôi và mẹ bạn sẽ có giường bệnh nếu họ cần".

Vì vậy, ngay cả khi bạn là người trẻ và khỏe mạnh, thì bạn vẫn có trách nhiệm tuân thủ các biện pháp cách ly xã hội để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác, và giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh. "Càng có nhiều người trẻ, khỏe mạnh bị nhiễm bệnh trong cùng một thời điểm, thì sẽ càng có nhiều người lớn tuổi nhiễm bệnh, và sức ép đối mà hệ thống y tế phải đối mặt sẽ càng lớn hơn", bà Landon giải thích.

Các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân COVID-19 sẽ không chịu được sức ép này - và khi đó các bác sĩ có thể sẽ phải lựa chọn ưu tiên chữa trị cho một nhóm đối tượng nhất định. "Hiện tại, các bác sĩ vẫn sẵn sàng chữa trị nếu bạn cần, nhưng nếu chúng ta [nước Mỹ] không cẩn thận thì điều đó sẽ không còn nữa".

Hiện tại, khi virus corona lây lan tại Mỹ, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo cho hệ thống y tế không bị quá tải vì số lượng bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng - cần dùng máy thở và cần chăm sóc đặc biệt - quá lớn. 

"Quan điểm của nước Mỹ là ngăn ngừa nguy cơ khiến bất cứ khu vực nào trở thành Vũ Hán tiếp theo", ông Tom Frieden, từng là người đứng đầu CDC dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định. "Điều đó có nghĩa là ngay cả khi chúng ta không thể ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm diện rộng, thì chúng tôi vẫn muốn ngăn chặn nguy cơ bùng phát mạnh và bất cứ rủi ro nào khiến hệ thống y tế trở nên quá tải".

Hãy nhớ rằng các bệnh viện và nhân viên y tế của Mỹ vốn đã phải đối mặt với số lượng lớn bệnh nhân nhập viện trong mùa cúm được đánh giá là khá tồi tệ vào cuối năm 2019 - đầu năm 2020. Giờ đây họ lại phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để tiếp nhận điều trị cho bất cứ bệnh nhân nhiễm COVID-19 nào nhập viện.

Báo Mỹ: Các biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả thế nào đối với việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan? - Ảnh 6.

Ảnh minh họa: Andrea Verdelli/Getty Images

Nhiều người đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng xử lý dịch bệnh của hệ thống y tế Mỹ, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng. COVID-19 là bệnh về đường hô hấp, và những bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng/nguy kịch sẽ cần đến máy thở. Nhưng có thể số máy thở Mỹ hiện có sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu này, nếu dịch bệnh lây lan quá rộng.

Trong một báo cáo năm 2018, trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết theo ước tính của chính phủ Mỹ, sẽ có khoảng 65.000 người tại Mỹ cần sử dụng máy thở nếu một dịch bệnh giống như đại dịch cúm năm 1957-1958 (từng khiến 116.000 người thiệt mạng tại Mỹ) và đại dịch năm 1968 (khiến 100.000 người Mỹ tử vong).

Hiện nay, Mỹ chỉ huy động được tối đa 160.000 máy thở. Như vậy, trên lý thuyết, hệ thống y tế Mỹ có thể đáp ứng được các kịch bản nêu trên.


Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 tại Mỹ trở nên tồi tệ hơn, thì số máy thở đó sẽ không thể đáp ứng nhu cầu. Trong một tình huống tương tự như đại dịch cúm Tây Ban Nha (từng khiến 675.000 người tử vong tại Mỹ), chính phủ Mỹ ước tính sẽ có khoảng 742.500 bệnh nhân trong nước cần sử dụng máy thở. Nhưng nước Mỹ đâu có nhiều máy thở đến vậy.

Tất nhiên, hệ thống y tế không chỉ có mỗi vấn đề máy thở, và mọi người cũng lo lắng về những khía cạnh khác. Theo phóng viên Jonathan Cohn của HuffPost, các bệnh viện Mỹ có khoảng 45.000 giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU). Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát ở mức độ ôn hòa, khoảng 200.000 bệnh nhân sẽ cần được chuyển đến khoa chăm sóc đặc biệt, nhưng nếu dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, thì con số đó có thể lên đến 3 triệu người.

Ngay cả trong trường hợp 3 triệu người theo tính toán trên không cần điều trị cùng lúc, thì chúng ta [Mỹ] cũng cần tính đến những bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt trước khi COVID-19 xuất hiện. Ông Cohn phân tích rằng hiện nay các khoa chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện Mỹ cũng không còn nhiều chỗ trống, khi bác sĩ phải điều trị cho các bệnh nhân nhiễm cúm mùa và những người bị bệnh nặng khác.

Do đó, trong điều kiện bình thường, đã có nhiều bệnh nhân phải chờ đợi trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để có được giường bệnh trong khoa chăm sóc đặc biệt. Và đó là trước khi COVID-19 bùng phát mạnh tại Mỹ.

Các bệnh viện đang làm tất cả những gì họ có thể - từ tiết kiệm khẩu trang y tế, chuẩn bị sắp xếp các cơ sở tạm thời... - và họ sẽ thực hiện các biện pháp mạnh hơn nếu họ không thể xử lý tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 cùng các bệnh nhân khác của họ.

Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể hành động để giúp các bệnh viện không rơi vào tình trạng quá tải, đó là họ nên ở yên trong nhà nếu cảm thấy không khỏe, đặc biệt là khi họ đã được bác sĩ chẩn đoán nhiễm COVID-19 và nhận được lời khuyên tự cách ly. Bằng cách này, hệ thống y tế của Mỹ sẽ có thể tập trung vào những bệnh nhân cần chữa trị gấp hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.

Báo Mỹ: Các biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả thế nào đối với việc ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan? - Ảnh 10.

Hồng Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh