CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Phòng chống dịch Covid-19 thông qua thói quen sử dụng tiền mặt: Chuyên gia đưa ra giải pháp

Nguy cơ lây nhiễm nCoV từ thói quen dùng tiền mặt để thanh toán trong mùa dịch Covid-19

Cùng với diễn biến mới, khó lường trước mỗi ngày của dịch Covid-19, giới chuyên gia không ngừng khám phá, phát hiện và đưa ra những cảnh báo sát sao đến cho người dân. Vào khoảng đầu tháng 3 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức bày tỏ lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ thói quen sử dụng tiền mặt vì cho rằng đây có thể là vật trung gian truyền nhiễm nCoV.

Phòng chống Covid-19 từ thói quen dùng tiền mặt: Chuyên gia chỉ rõ những điều cần làm! - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), tiền mặt không chỉ ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tất nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, người ta mới lo sợ hơn và để ý hơn đến con đường lây nhiễm này. Thực tế, tiền mặt khi giao dịch mua bán được truyền từ tay người này sang người kia đã chứa cơ man nào là virus, vi khuẩn, đủ các loại khác nhau chứ không phải đến thời điểm dịch bệnh hiện nay mới có.

"Cứ thử nghĩ đơn giản như thế này, bạn đi ra chợ mua lấy con cá, mớ rau, miếng thịt, người bán hàng sẽ chạm trực tiếp vào những món đồ sống này, sau đó cầm lấy tờ tiền của bạn, rồi đếm trả lại những đồng tiền thừa mà trước đó truyền qua tay bao nhiêu người, rồi tay người bán hàng đầy vi khuẩn. 

Phòng chống Covid-19 từ thói quen dùng tiền mặt: Chuyên gia chỉ rõ những điều cần làm! - Ảnh 2.

Tiền mặt không chỉ ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Cứ thế, bạn nhận tiền rồi cho vào túi, ví với cơ man virus, vi khuẩn có cơ hội sinh sôi trong ví tiền của bạn. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn có thói quen chạm ngón tay vào miệng cho dính nước bọt rồi đếm tiền cho dễ. Con đường lây nhiễm virus, vi khuẩn từ bàn tay vào miệng qua đồng tiền là vật trung gian chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Và đó là sự thật, là thói quen rất nhiều người Việt đang có, rất khó từ bỏ", chuyên gia nhấn mạnh.

Phòng chống dịch Covid-19 thông qua thói quen sử dụng tiền mặt: Chuyên gia đưa ra giải pháp

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dù có dịch hay không có dịch đi chăng nữa, mỗi người đều cần nâng cao ý thức khi cầm và sử dụng tiền mặt để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và công đồng. "Điều quan trọng nhất sau khi cầm tiền là chúng ta cần phải rửa tay sạch, đúng cách với xà phòng và nước sạch", ông Thịnh nhấn mạnh.

Phòng chống Covid-19 từ thói quen dùng tiền mặt: Chuyên gia chỉ rõ những điều cần làm! - Ảnh 3.

Điều quan trọng nhất sau khi cầm tiền là chúng ta cần phải rửa tay sạch, đúng cách với xà phòng và nước sạch.

Nếu như ở Trung Quốc, người ta tiến hành khử trùng đồng tiền bởi dịch lan quá rộng thì ở nước ta, ông Thịnh cho rằng chưa đến mức phải dùng đến biện pháp này. Việc đổi tiền cũ lấy tiền mới được nhiều người kiến nghị nhưng cũng là cách giải quyết vấn đề không được khả quan. Bởi lẽ, tiền mới chỉ mới với người lần đầu tiên cầm vào nó, tiền mới sẽ trở thành tiền cũ ngay lập tức khi trao đổi từ người này sang người khác. Nguy cơ cao nhiễm nhiều loại virus, vi khuẩn, trong đó có Covid-19 là điều khó tránh. Do đó, giải pháp này được nhiều người đặt ra là không cần thiết.

Ngoài việc rửa tay sạch sau khi giao dịch tiền mặt, chuyên gia khuyên, bạn có thể hạn chế sử dụng tiền mặt bằng cách chuyển tiền qua nhà mạng, qua tài khoản. Khi đi mua hàng thì sử dụng thẻ quẹt... Điều này giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm nCoV thông qua tiền mặt cũng như có thể từ bỏ được thói quen cho tay lên miệng mỗi lần đếm tiền.

Chuyên gia khuyến cáo thêm, không chỉ có tiền mặt, mọi người đều cần cảnh giác cao độ với những đồ dùng, vật dụng có nhiều người tiếp xúc qua lại. Hạn chế tối đa tiếp xúc với nhóm đồ vật này, song song với việc đeo khẩu trang đúng cách và rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập hoặc đến chỗ đông người... sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua mùa dịch dễ dàng hơn.


Tiểu Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh