Phòng chống Covid-19: Nhiều gia đình phấn khởi vì chồng cai được 'tật xấu'
- Y học 360
- 22:09 - 26/03/2020
Cảm nhận rõ nhất về sự đổi thay trong gia đình khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Thùy Dương (Bà Triệu, Hà Nội) chia sẻ: Dịch bệnh khiến gia đình tôi có nhiều thay đổi, nhưng thay đổi lớn nhất là từ phía anh chồng. Trước đây, một tuần mất 3 - 4 buổi, cứ hết giờ làm chồng tôi lại cùng bạn bè "hàn huyên tâm sự" ở… quán bia hơi, nếu nhanh 1 tiếng rưỡi, lâu hơn thì gấp đôi. Còn chuyện đi đám cưới, đám tang, nhanh cũng vài giờ, nhiều khi cả buổi vì sau việc chính tiếp đến việc… phụ, đó là bạn bè lại tụ tập "trở về với tuổi thơ". Trong khi đó, ở nhà còn mẹ già và hai con nhỏ nên sau giờ làm tôi về nhà là ngập mặt với một đống việc. Do vậy, trong cuộc sống đã nhiều lần vợ chồng xảy ra cãi vã nhưng dường như "thói quen cố hữu" của chồng chẳng "dễ cai".
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chồng tôi thay đổi hẳn. Hết giờ làm, anh về nhà phụ tôi việc nhà, tắm giặt cho con. Ăn xong bố con lại dạy nhau học bài. Những bữa cơm của gia đình tôi bây giờ đã đầy đủ các thành viên, không còn cảnh úp lồng bàn để nguội tanh như trước. Chúng tôi vừa ăn vừa theo dõi thời sự ở tivi, xem tin tức về diễn biến của dịch bệnh... rồi cả nhà nhắc nhở nhau "phải cẩn thận, chú ý rửa sạch tay bằng xà phòng, hạn chế ra đường, ra đường phải đeo khẩu trang... để phòng bệnh.
Chị Diệu Thúy (ở Đường Thành, Hà Nội) vui vẻ kể: Trước khi có dịch Covid-19, chiều chiều sau giờ tan tầm là chồng tôi tụ tập bạn bè tại các quán bia. Nhưng từ khi có dịch, hết giờ làm là anh ấy về nhà, cùng tôi nhặt rau, xào nấu cho bữa tối. Những việc chỉ đơn giản vậy thôi nhưng khiến tôi thấy yên tâm và hạnh phúc vô cùng. Đây cũng chính là thời gian vợ chồng được dịp bên nhau, trò chuyện, quan tâm và thấu hiểu nhau hơn. Thay vì lo lắng sợ hãi vì dịch bệnh, vợ chồng tôi sẽ tận dụng những ngày dịch "bất đắc dĩ" này để hâm nóng tình cảm vợ chồng, tình cha con, điều mà lâu nay đã bị lãng quên.
Từ ngày Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 số 17 đến nay, tan giờ ở công sở, các bạn… nhậu ai cũng "thẳng tiến" về nhà nên anh Hưng đành lủi thủi về nhà. Chị Thanh, vợ anh công tác tại một ngân hàng tư nhân nên mỗi tuần cũng vài ba buổi 9 giờ tối mới về tới nhà. Những hôm đó, hai con nhỏ của anh chị tự trông nhau và ăn cơm hộp do chị đặt hàng online. Về sớm, thấy cảnh hai con ăn cơm hộp đã nguội tanh nguội ngắt, anh ngỡ ngàng hóa ra lâu nay con của anh vẫn phải ăn như vậy. Tuy không nói ra nhưng trong lòng anh như có ai xát muối. Hôm sau hết giờ làm, anh lẳng lặng ghé vào siêu thị mua đồ ăn, một việc mà có lẽ chưa bao giờ anh biết làm. Sau vài lần thử nghiệm, tay nghề nấu ăn của anh đã khá hơn, hai đứa con anh vui lắm vì từ nay chúng sẽ nói không với cơm online. Thấy các con vui mừng ra mặt vì những bữa cơm ngon, anh Hưng vui lắm, như có thêm động lực mỗi hôm lại sáng tạo thêm món mới, xong xuôi thì dọn cho hai con ăn trước, còn mình ngồi chờ vợ về ăn cùng.
Là người trong cuộc mới hiểu nỗi khổ của chị Thanh mỗi khi chồng đi nhậu. Ngoài việc đặt cơm online cho con, tôi đã nhiều lần chứng kiến chị phải nhờ người cùng chị dìu anh lên những bậc thang trong bộ dạng say khướt. Qua ánh mắt chị, tôi hiểu được điều chị đang mong mỏi, đó là sau đợt dịch này, chồng chị sẽ toàn tâm, toàn ý với vợ, con và mạnh dạn để nói từ chối với đám bạn sau mỗi buổi chiều tan sở.
Dịch Covid-19 tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và đang là nỗi khiếp sợ của tất cả mọi người. Vậy nhưng có một giá trị tích cực mà không thể phủ nhận trong mùa dịch này, chính là ở đâu đó, các thành viên trong mỗi gia đình đã lắng lại lòng mình để nhìn nhận, trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Sợi dây gắn kết yêu thương cũng được bền vững hơn khi mà họ đã xích lại gần nhau, có trách nhiệm với tổ ấm để cùng yêu thương, sẻ chia và gánh vác mọi niềm vui, nỗi buồn.