THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phấn đấu hết tháng 8 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong KCN

Ngăn chặn kịp thời dịch lây vào KCN

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu, trong đó 6.448 mẫu F1, hơn 25.000 mẫu F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng. Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong KCN đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, TPHCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao; duy trì sàng lọc theo tỷ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình hiện nay dịch ở TPHCM vẫn có nguy cơ rất cao lây sang các tỉnh lân cận và vào các KCN. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các KCN, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là KCN, địa phương đang tập trung chỉ đạo để nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp/ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng phòng chống dịch của Đồng Nai đang ở trạng thái tập trung cao độ, các tổ COVID cộng đồng hoạt động rất tích cực.

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, với 29 KCN, 12 cụm CN đang hoạt động, gần 1,2 triệu công nhân, địa phương đã yêu cầu từng công ty phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó khi có ca nhiễm. Tỉnh đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày.

Hiện nay người lao động từ TPHCM lên Bình Dương làm việc rất đông, vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch, đặc biệt ở TPHCM; kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.

Kinh nghiệm phòng, chống dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã nghe những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chia sẻ trong quá trinh xử lý ca nhiễm trong KCN phải thực hiện rất quyết liệt các biện pháp truy vết, khoanh vùng trong thời gian ngắn nhất, trong đó năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch.

Trước yêu cầu đặt ra là phải phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh đã thực hiện rất nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, thậm chí tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.

Đáng chú ý, cùng với công tác chống dịch, Bắc Ninh đã tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 DN, và khi có 1 DN ghi nhận ca nhiễm, tỉnh đã khoanh vùng, xử lý nhanh chóng, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các DN khác.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, có 4 nguồn lây chính trong KCN ở Bắc Giang là môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hoà, đặc biệt là các DN sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; trên xe ô tô đưa đón; tại chỗ trọ của công nhân. Ông Lê Ánh Dương cho rằng: Chống dịch trong KCN không thể khoán trắng cho DN mà phải đưa tổ chống dịch gồm đại diện chính quyền địa phương, y tế cơ sở trực tiếp hỗ trợ DN. Các địa phương nhất định phải chuẩn bị kỹ cho phương án 4 tại chỗ, thì mới không bị động khi xảy ra dịch bệnh trong khu, cụm CN mà phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày, điều trị hàng nghìn ca bệnh….

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: "Bài học của Bắc Giang do năng lực xét nghiệm ban đầu hạn chế nên không bắt kịp được dịch trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều đơn vị về hỗ trợ thì những ngày đầu vẫn còn rất lúng túng do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất. Do vậy các tỉnh phải chuẩn bị kỹ năng lực xét nghiệm nếu không sẽ không thể bắt kịp dịch, khống chế, kiểm soát trong thời gian nhanh nhất".

Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phấn đấu hết tháng 8 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong KCN - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn 1 tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước. Vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các DN sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Dịch vào KCN là một bài toán hoàn toàn khác, bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên. Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc".

Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh khu cách ly tập trung, các địa phương phải chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ với mật độ giảm thấp hơn bình thường. Đối với công tác xét nghiệm, phải có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện.

Về giãn cách, khoanh vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm nhưng bên trong phải làm rất chặt, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại.

"Đối với các DN nhất định phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất. Vì vậy, những địa phương có KCN, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những DN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Các địa phương phải yêu cầu DN trong KCN có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân, trong tình huống có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng, cách ly được ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không lan sang bộ phận khác, DN vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi DN phải thực sự "xắn tay" vào làm cùng chính quyền địa phương" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phấn đấu hết tháng 8 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ công nhân trong KCN

Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng COVID-19 tiêm cho công nhân trong KCN, Phó Thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao vaccine.

"Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine phòng COVID-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8/2021 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước" - Phó Thủ tướng nói.

An Nhiên (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh