CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:49

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Lễ ra mắt

Tại Lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm báo cáo tóm tắt kết quả các hoạt động trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011- 2015 và định hướng nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 2016- 2020.

Theo đó, giai đoạn 2011- 2015 được đánh giá là giai đoạn tập trung thể chế hóa luật pháp và chính sách về NKT. Đến nay, cơ bản hệ thống Luật pháp chính sách về NKT tương đối đầy đủ, thống nhất và toàn diện với 1 Luật chuyên ngành (Luật NKT), nhiều Luật có nội dung lồng ghép, 5 Nghị định, 16 Thông tư, 10 quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thân mật thăm hỏi ông Cao Văn Thành, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam

Hiện cả nước có 796.521 NKT đặc biệt nặng và nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, tăng khoảng 300 ngàn người so với năm 2010; 195.000 hộ gia đình được hưởng trợ cấp chăm sóc NKT hàng tháng; cả nước đã hình thành, phát triển được 67 cơ sở trợ giúp NKT, cung cấp dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghềcông tác xã hội đối với những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. NKT sống trong các Trung tâm BTXH đều được các địa phương nâng mức trợ cấp, mức tiền ăn lên gấp từ 1,5- 2 lần chính sách chung của Nhà nước.

Về nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ cán bộ chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, từ năm 2010- 2014 Đề án 32 đào tạo công tác xã hội cho 13.391 người; phát triển mạng lưới khoảng 80.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên có làm công tác xã hội ở các Hội, đoàn thể các cấp.

Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ

Số người khuyết tật được học nghề, tạo việc làm tăng lên hàng năm, trong năm 2011- 2015 có khoảng 140.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình của Nhà nước (đạt khoảng 56% so với mục tiêu đề ra), trong đó có gần 100.000 người được hỗ trợ dạy nghề, trên 2.500 người được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm và gần 40.000 người được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm.

Theo đó, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về NKT những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của NKT; hoạt động trợ giúp NKT đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng cư dân. 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền làm Chủ tịch Ủy ban Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam

Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về NKT, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, giai đoạn 2016- 2020 các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo cho NKT hòa nhập cộng đồng về mọi mặt ngày càng tốt hơn, thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách của VN và Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ về quyền của NKT tại VN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ một câu chuyện xúc động về tấm gương, nghị lực của cô sinh viên khuyết tật tên Phương. “Cháu Phương, một người trẻ đáng yêu, đã không cho rằng mình là người bất hạnh, kiên trì nỗ lực vượt lên tất cả, tốt nghiệp đại học một cách xuất sắc. Không dừng lại ở đó, Phương được nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo ở một nước tiên tiến. Cháu không viết, đọc được như người bình thường, nhà trường đã có cơ chế đặc biệt, và cho một người đi học kèm với cháu, vì vậy mẹ cháu phải theo học TS toán học cùng với Phương. Trao lại gia đình cho chồng để đi lo cho cháu, người mẹ đã nỗ lực vượt bậc để học ngoại ngữ, các ký hiệu, lập luận mà con mình nói ra... Làm sao cháu Phương có thể đi học, thực hiện giấc mơ của cháu, và có nhiều đóng góp cho xã hội nếu những người thân không chia sẻ, đồng hành với tình yêu thương vô bờ bến và nỗ lực phi thường”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Qua tấm gương nghị lực của cháu Phương và gia đình cháu, Phó Thủ tướng đã khiến cả hội trường xúc động. Và cũng qua câu chuyện nghị lực vượt lên số phận của cháu Phương, Phó Thủ tướng bày tỏ khâm phục dành cho NKT: "Đã cho chúng ta thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, nhờ họ, cho tôi sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ… đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động xã hội, vì NKT.

Cùng với đó, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Joakim Parker, Giám đốc USAID tại Việt Nam cũng đánh giá cao những tiến bộ về quyền của NKT tại VN, cũng như các dự thảo hành động.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sẽ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016; rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT theo quy định (2 năm và 4 năm từ ngày phê chuẩn Công ước)… 

Thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Theo Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy viên gồm Thứ trưởng các bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thaoDu lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng được mời làm Ủy viên Ủy ban Quốc gia.

Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác người khuyết tật. Cụ thể, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương hướng, kế hoạch 5 năm và hàng năm, nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện công tác người khuyết tật; chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện công tác người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Ủy ban chỉ đạo thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về người khuyết tật; thúc đẩy thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền người khuyết tật và các khuyến nghị thập kỷ châu Á - Thái Bình Dương về người khuyết tật; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Luật Người khuyết tật và các chế độ, chính sách hỗ trợ người khuyết tật, người làm công tác người khuyết tật; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cấp cấp thẩm quyền. Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch Ủy ban ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực của Ủy ban.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh