CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:17

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Không để thất thoát ngân sách nhà nước

 

Xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn

Phát biểu trước khi trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết sẽ khẩn trương xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN.

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. "Tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài” – Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ sẽ không để thất thoát ngân sách nhà nước 


Đối với các dự án phục hồi được, theo Phó Thủ tướng sẽ có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

"Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng nói.

Chất vấn Phó thủ tướng, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi, ngoài 12 dự án ngành Công Thương thua lỗ lớn, hậu quả nghiêm trọng mà Phó Thủ tướng đã đề cập, ông Tiến muốn biết ở các ngành khác có bao nhiêu dự án tương tự, trách nhiệm thuộc về ai?

Với câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ đã rõ ràng minh bạch thông tin về việc này. Chính phủ đã báo cáo nội dung này tại phiên khai mạc kỳ họp. Những dự án này sẽ được cơ cấu sắp xếp lại theo tinh thần không để thất thoát ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, xử lý theo cơ chế thị trường và quy trách nhiệm người đứng đầu các dự án, cơ quan quản lý.

Về câu hỏi "có bao nhiêu dự án tương tự?", Phó Thủ tướng trả lời, ngoài 12 dự án này không thể nói là không có dự án khác. Tinh thần chung xác định là còn những dự án như vậy và yêu cầu rà soát thêm. Chính phủ sẽ có những giải pháp để xử lý tương tự như với 12 dự án đang đắp chiếu này.

Phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo nhà nước

Đại biểu Đinh Đăng Luận (Yên Bái) đề cập những dự án dở dang, phải dừng thi công gây nguy cơ thất thoát lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Chính phủ có giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Với câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết các Bộ, ngành đã rà soát để bố trí vốn cho những dự án cấp bách cần đầu tư ngay nên phải đình hoãn với một số dự án khác. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26, bố trí vốn cho các địa phương thanh toán các khoản nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản. Vậy nên có thể khẳng định những dự án cấp bách đều đã được bố trí vốn trong kế hoạch 2016-2020. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo nhưng tại địa phương cũng phải nỗ lực tìm các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư để hoàn thành các dự án dang dở.

 

Đại biểu Ngô Thị Minh đề cập đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các Ban chỉ đạo nhà nước

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề cập đến tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công, mất an toàn thực phẩm, hạn chế trong phòng chống tội phạm và cho rằng Chính phủ cần luật hóa các hoạt động điều hành với nhạc trưởng cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các ban chỉ đạo nhà nước...

Chia sẻ, đồng cảm với nhận định của đại biểu Ngô Thị Minh về quy chế phối hợp các ban chỉ đạo liên ngành. Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ nghiên cứu đề xuất pháp luật, luật hóa trách nhiệm khâu nối giữa các cơ quan. Hiện nay, có nhiều Ban chỉ đạo liên ngành phát huy được hiệu quả nhưng cũng có Ban chỉ đạo còn hình thức. Tới đây đổi mới hệ thống chính trị, Chính phủ cũng nghiên cứu trình TƯ sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đánh giá hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành, cái nào không thực chất thì bỏ, cái nào có chức năng tương đồng thì sáp nhập.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ nâng cao kỷ luật kỷ cương, yêu cầu lãnh đạo các Ban chỉ đạo chấp hành nghiêm chế độ hội họp, chỉnh lại tình trạng nay người này đi họp, mai đến người khác, thậm chí cả người không có chức trách nhiệm vụ.

Cán bộ nào có tư duy nhiệm kỳ, người đó không xứng đang với vị trí của mình

Đề cập đến tư duy nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng câu chuyện này đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư... “Làm sao để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp?.

Giải đáp câu hỏi này, Phó thủ tướng cho biết, nguyên tắc của Chính phủ là phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành và địa phương; một việc chỉ giao cho một cơ quan để tránh chồng chéo. "Người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh, tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, vì phiếu bầu; có thể cán bộ thấy hết nhiệm kỳ rồi thì không quyết tâm, nỗ lực trong công việc. "Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm minh", Phó thủ tướng khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề cập đến tư duy nhiệm kỳ đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp


Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết đây mới là đề xuất nghiên cứu, nhằm thực hiện cơ chế tự chủ, tuy nhiên chủ trương này liên quan đến nhiều quy định khác nhau, như luật công chức, viên chức; liên quan đến đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng khó khăn. Phó thủ tướng khẳng định, đây mới là một ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định sau cùng. Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xây dựng đề án về sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp để báo cáo TƯ Đảng xem xét quyết định.

Trả lời các chất vấn "được mùa, mất giá", liên tục giải cứu thanh long, chuối, thịt lợn..., Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm của chính quyền là quy hoạch tốt, tìm đầu ra, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có kho trữ tốt... "Chúng ta phải hướng dẫn người nông dân làm sao sản xuất chất lượng cao, năng suất tốt, không dư thừa", Phó thủ tướng nói và cho hay đây cũng là vấn đề liên quan đến tái cơ cấu lực lượng lao động.

Về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo trong chương trình giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 18.000 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới dự kiến bố trí 193.000 tỷ đồng...Chính phủ cũng sẽ nỗ lực kết nối phát triển giữa các vùng kinh tế, đầu tư cho y tế, giáo dục ở cơ sở...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh