Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
- Tây Y
- 15:12 - 05/11/2015
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một lần trả lời báo chí tại Quốc hội
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình tới Việt Nam diễn ra từ ngày 5 đến 6/11 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến thăm thông thường của lãnh đạo các nước với nhau để tăng cường quan hệ. Đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm Trung Quốc và đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc sang Việt Nam. Trong chương trình làm việc lần này sẽ trao đổi tất cả các nội dung lớn trong quan hệ giữa hai nước mang tầm chiến lược, phát triển quan hệ về kinh tế, văn hóa, thương mại. Hai bên cũng có thể trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có thể có vấn đề biển Đông.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên, qua đó hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng về các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc sẽ có cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác Việt Nam - Trung Quốc.
Được biết, Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 55 tỉ USD năm 2014, Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 8 tỉ USD. Việt Nam hiện có hơn 13.000 sinh viên đang học tập tại Trung Quốc và Trung Quốc cũng có hàng ngàn sinh viên đang học tập tại Việt Nam.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào tháng 4/2015, hai bên đã ra Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, hai bên đã nhìn lại và tổng kết những thành tựu to lớn đã giành được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt,” từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực để mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; cho rằng điều này phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển. Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. |