Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm hỏi người dân bị thiệt hại do lốc xoáy tại Quảng Trị
- Tây Y
- 21:26 - 27/09/2022
Tại Quảng Trị, vào lúc khoảng 15h15 chiều ngày 27/9/2022, một trận lốc xoáy kèm mưa lớn xảy ra trên địa bàn thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Theo lãnh đạo huyện Gio Linh, qua thống kê sơ bộ, có khoảng 180 quầy hàng, ki ốt và 120 nhà dân bị sập, tốc mái, trong đó có 2 nhà dân bị sập hoàn toàn. Trận lốc xoáy cũng làm 3 người bị thương, trong đó, có 2 người bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tại khu khu phố 3 (khu vực chợ) thị trấn Cửa Việt, nhiều cây xanh bị gãy đổ ngổn ngang, nhà cửa và quán bị tốc mái. Đặc biệt, phần mái của chợ thị trấn Cửa Việt bị tốc, biến dạng; các ngôi nhà ở cạnh đó cũng trong tình trạng tương tự; xe máy đổ ngổn ngang; các tấm pa-nô, biển quảng cáo bị bay...
Sau khi trận lốc xoáy đi qua, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khắc phục thiệt hại, ổn định sinh hoạt.
Trong chiều tối 27/9, , Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã đến thăm hỏi, động viên người dân và các tiểu thương bị thiệt hại tại thị trấn Cửa Việt.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh khẩn trương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lốc xoáy, huy động lực lượng hỗ trợ người dân ổn đinh sinh hoạt, tránh trú bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo chính quyền địa phưogn cần nhanh chống thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân. Cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh, vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương không chủ quan, lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản người dân. Phải thực hiện song song nhiệm vụ phòng, chống bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và đảm bảo ổn định sinh hoạt, đời sống cho những gia đình bị thiệt hại.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận trường hợp bị thương trong quá trình chằng, chống nhà cửa, phòng, chống bão Noru. Đó là trường hợp ông Nguyễn Xỉ (SN 1968, trú thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến) không may bị ngã từ trên cao xuống dẫn đến chấn thương. Các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, sơ cứu và đưa ông Xí đến cơ sở y tế để điều trị.
Tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng đã ghi nhận 9 người dân bị thương trong quá trình chuẩn bị phòng, chống bão.
Tại Đà Nẵng, trong chiều 27/9 cũng đã xảy ra mưa lớn, gió to làm nhiều cây xanh trên các tuyến phố bị gãy, đỗ. Các lực lượng chức năng đã tiến hành dọn dẹp tạm thời, bảo đảm an toàn giao thông.
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 (đóng tại Đà Nẵng), các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người. Tính đến 17h ngày 27/9, các địa phương đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71% (Quảng Trị: 4.124/12.926, Thừa Thiên Huế: 2.552/8.407, Đà Nẵng: 9.300/ 30.721, Quảng Nam: 39.897/123.714, Quảng Ngãi: 23.006/68.034, Bình Định: 5.109/14.729); thời gian hoàn thành vào 18h ngày 27/10.
8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cũng cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9 để phòng, chống bão.
Tính đến chiều 27/9, còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú
Các địa phương cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao. Tổ chức nhắn 21,47 triệu tin nhắn cảnh báo, hướng dẫn ứng phó bão.
Các tỉnh, thành trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão đã đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú. Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các tỉnh từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống bão, Bộ GTVT đã yêu cầu tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12h/27/9 đến 12h/28/9.
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường quốc lộ 1 từ 18h đến 21h/27/9.
Đặc biệt, có 244.768 cán bộ, chiến sỹ và 2.921 phương tiện sẵn sàng ứng trực. Quân khu 5 tổ chức lực lượng hơn 53.074 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, công an và các lực lượng khác cùng gần 1.385 xe ô tô, hơn 108 xe đặc chủng, xe chuyên dụng, 715 xuồng máy; phối hợp với Quân chủng PKKQ điều động 1 máy bay chuẩn bị ứng phó với bão. Đồng thời điều động 5 xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 sẵn sàng tham gia cơ động ứng phó bão.