CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự hội nghị triển khai nhiệm vụ của Hội Nhà báo năm 2023

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị sáng 13/4, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, với 23.700 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chỉ hội và 218 Chi hội trực thuộc.

Tổ chức hội có mặt tại hầu hết cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và báo chí các bộ, ngành, đoàn thể.

Hội Nhà báo Việt Nam đại diện cho những người làm công tác báo chí, thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, lòng say mê nghề nghiệp cho hội viên; định hướng, giám sát việc tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Ông Lê Quốc Minh-Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Quốc Minh-Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Hội nghị lần này tiến hành tổ chức tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022 trong toàn thể các cấp Hội, với những nội dung chính: Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và hoạt động Hội, Hướng dẫn các cấp Hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023.

Tại hội nghị cũng đã trưng bày chuyên đề 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam. Thông qua Hội nghị, các cấp Hội thảo luận, thống nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý bảo chí toàn quốc đến năm 2025; Hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Bộ tiêu chỉ cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo. Các cấp Hội cũng quán triệt yêu cầu của thực tiễn đối với đổi mới công tác báo chí, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, đặc biệt là về chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; thống nhất chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đề ra mục tiêu phấn đấu, gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, phong trào thi đua yêu nước với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Phat biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng, nhân dân ta trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Những năm qua, Báo chí cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan toả thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hoà bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng được biết trong năm 2022, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương đã tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Phương thức hoạt động của hội có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ; đặc biệt là bám sát xu thế toàn cầu để tuyên truyền, hưởng ứng quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển nội dung số trong hoạt động báo chí. 

Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm… Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực. Các tác phẩm đã tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả, đặc biệt là tuyên truyền định hướng, truyền tải nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan xây dựng chính sách. Việc lấy ý kiến nhân dân đối với Luật Đất đai là minh chứng rất rõ về sự hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong xây dựng chính sách, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội cũng như phát huy tối đa trí tuệ của các tầng lớp nhân dân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội trong năm 2022 và đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của cả nước.

"Chúng ta đã bước qua quý I năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức đang phải đối mặt. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh kinh tế, thương mại gay gắt hơn, bất ổn về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực cùng với các “luật chơi” mới trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, phát thải sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Cùng với đó những tồn tại, hạn chế của nội tại cũng bộc lộ sau đại dịch như thị trường bất động sản, phát triển du lịch, y tế, văn hóa... đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hóa giải các thách thức, tận dụng các thời cơ đưa đất nước phát triển.

Hơn bao giờ hết, Báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025"- Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.

Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số; đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hằng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.

Mỗi người làm báo phải luôn không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin; năng động, sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới; luôn ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp “chân - thiện - mỹ” của dân tộc, hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu đối với độc giả quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thứ ba, làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

Các bộ, ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý có phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; có các chuyên đề, nghiên cứu rất hệ thống, đồng bộ, đưa ra những mô hình, cách làm hay, nhân rộng những cơ chế, chính sách mới, thậm chí đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc.

Thứ tư, Hội Nhà báo Việt Nam - ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các nhà báo: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định ban hành Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam cho Hội Nhà báo Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định ban hành Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam cho Hội Nhà báo Việt Nam

Lời dạy đó của Người càng đúng trong xã hội có sự phân hóa trong cảm thụ, tiếp nhận thông tin, nhất là giới trẻ. Cùng với đó, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và thông tin đa phương tiện; sự nổi lên của công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng. Trong bối cảnh đó, báo chí muốn phát triển được phải chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức.

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy, báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao mức sống cho người làm báo.

"Như đã cam kết tại Hội báo toàn quốc năm 2023, tôi đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về chiến lược chuyển đổi số báo chí để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số; ban hành Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, chuyển đổi số, đảm bảo đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Tạo lập môi trường để những người làm báo phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục chỉ đạo các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh