THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:29

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày đầu ra quân dọn vỉa hè: Gửi xe máy mất… 20.000 đồng/lượt

Người đi bộ lại bị đẩy xuống lòng đường khi lực lượng chức năng rút đi (ảnh chụp tại phố Mã Mây lúc 12h30’ ngày 10/3). Ảnh: H.P

Lấn chiếm “chạy” từ mặt phố vào ngõ

Hôm 10/3, ngày đầu tiên lực lượng chức năng Hà Nội ra quân dẹp vỉa hè quy mô lớn. Trong buổi sáng này, lực lượng chức năng Hà Nội đã huy động nhiều xe cẩu, công nhân sử dụng máy mài, máy cắt xử lý nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Toàn thành phố như một đại công trường. Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người dân đã tự giác chấp hành nghiêm quy định không được lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ xe sai quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều trường hợp dù đã được nhắc nhở, tuyên truyền nhưng vẫn ngang nhiên vi phạm. Đặc biệt ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm.

Sáng 10/3, vỉa hè phố cổ ở các phường Hàng Đào, phường Đồng Xuân... thông thoáng đến lạ mắt. Nhiều người đi qua khu phố cổ không khỏi ngạc nhiên khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở khu vực phố cổ đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng xe máy, quán cà phê, hàng tạp hóa, hàng ăn, những gánh hàng rong lại... đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Các tuyến phố Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Đinh Lễ… rất nhiều quán ăn, hàng rong đã giành lại vỉa hè để hoạt động. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, hàng quán lại được dọn dẹp gọn gàng, nhiều phụ nữ bán bánh mì dạo vội vàng lánh đi. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại bày bán công khai. Tại nhiều tuyến phố, những con ngõ vốn đã nhỏ hẹp nay bị trưng dụng làm nơi để xe máy khiến cho việc đi lại rất khó khăn.

20.000 đồng/vé gửi xe máy ở Gia Ngư.
20.000 đồng/vé gửi xe máy ở Gia Ngư.

Lo lắng lực lượng chức năng lập biên bản thu giữ xe máy, ông Nguyễn Văn Thắng từ khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) xuống phố cổ uống cà phê phải đi gửi xe máy. “Không cho để xe máy ở vỉa hè vô tình làm giàu cho dịch vụ trông xe. Ngồi uống cốc cà phê mà gửi xe mất 20.000 đồng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiều 10/3, tình trạng “chặt chém” phí trông xe máy xuất hiện ở một số nơi. Cụ thể như tại phố Đinh Liệt, giá mỗi lượt gửi xe máy là 20.000 đồng và khách phải lấy xe trước 15 giờ cùng ngày. Nhiều người lắc đầu vì giá vé quá đắt, vượt nhiều lần so với quy định nhưng vì công việc phải đến đây cũng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác.

Sau khi nhận vé, xe máy của khách được đẩy vào sâu trong các ngõ ngách để tránh lực lượng chức năng. Khi muốn lấy xe, khách phải gọi vào số điện thoại đã được viết sẵn trên vé. Chỉ trong buổi trưa và đầu giờ chiều 10/3, chúng tôi đếm được đã có hàng trăm người gửi xe như vậy. Dịch vụ trông xe kiểu này đã kiếm bộn tiền, gây bức xúc nhiều người.

Hứa thực hiện, nhưng...

Hoạt động buôn bán lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn.
Hoạt động buôn bán lấn chiếm vỉa hè vẫn tái diễn.

Ban ngày, vốn đã có nhiều khách ghé các con phố cổ như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… để uống bia. Sau 18 giờ cho đến khuya, lượng khách đổ về đây còn đông hơn với sự góp mặt của cả khách Tây… Không chỉ các quán bia lớn mới đông khách mà cả các quán nhỏ trong ngõ hẹp, đặc biệt những hôm cuối tuần, khách cũng ngồi chật kín. Bia vỉa hè Hà Nội nổi tiếng không chỉ vì ngon hay giá rẻ mà bởi cái thú của những thực khách đã quen thuộc lâu nay. Chưa kể, hiện bia hơi ở đây được bán với giá 5.000 đồng/cốc, một mức giá người bình dân cũng có thể chấp nhận được.

Trước sự ra quân đồng loạt của lực lượng chức năng dọn dẹp vỉa hè để trả lại sự sạch đẹp cho đường phố, nhiều chủ quán bia vỉa hè tuy ủng hộ và hứa sẽ thực hiện theo quy định song thực tế không hẳn như vậy. Anh H, một người bán hàng lâu năm tại ngã tư Tạ Hiện cho biết: Hầu hết, các hộ gia đình ở đây đều sống bằng nghề buôn bán vỉa hè, nếu dẹp vỉa hè thì lượng khách cũng sẽ giảm đi rất nhiều và đồng nghĩa là thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng. Những quán bia, quán ăn vặt ở những tuyến phố này rất nhỏ, chỉ đủ kê một vài bộ bàn ghế nhựa rất nhỏ, còn lại chủ yếu kinh doanh trên vỉa hè. Anh Nguyễn Trung Sơn ở Hàng Khay (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thổ lộ: “Uống bia vỉa hè, cà phê vỉa hè, hoa quả dầm vỉa hè từ lâu đã thành thói quen của nhiều người dân phố cổ. Bây giờ phải trả lại vỉa hè thì gần như hết đất làm ăn.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội, lực lượng CSGT Thủ đô lên phương án lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Lực lượng CSGT tập trung vào 8 nhóm đối tượng vi phạm chính như: Xe ô tô đón trả khách sai quy định, các lỗi về dừng - đỗ, xe ba bánh giả danh thương binh... Ghi nhận của phóng viên GĐ&XH tại địa bàn các quận Đống Đa, Hà Đông, lực lượng liên ngành của các quận đồng loạt xuống đường xử lý các vi phạm về trật tự đô thị. Các hành vi lấn chiếm vỉa hè được tổ công tác xử lý nghiêm, cưỡng chế các trường hợp vi phạm về biển báo, mái che... Nhiều hộ kinh doanh có biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè ở những tuyến phố lớn bị thu giữ, yêu cầu không tái phạm để trả lại vỉa hè thông thoáng. Lực lượng liên ngành đã cắt mái che của một nhà dân lấn chiếm ra vỉa hè. Khi được tổ công tác thông báo về các vi phạm, chủ hộ đã đồng ý phá dỡ phần vi phạm, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Một số hộ dân xây bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè cũng bị đập bỏ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh