Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk
- Tây Y
- 03:13 - 30/11/2019
Tham dự và chỉ đạo đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương và tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân tộc các tỉnh; các Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng 282 đại biểu, đại diện hơn 667 nghìn người các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
Theo Báo cáo chính trị tại đại hội: Đắk Lắk có lịch sử 115 hình thành và phát triển, dân số 1,869 triệu người với 49 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Giai đoạn 2014-2019, Đắk Lắk triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn: Hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; cấp nước sinh hoạt cho 7.667 hộ dân tộc thiểu số; giải quyết vốn vay ưu đãi; thực hiện chính sách đối với hơn 1.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư 168 công trình nước sạch; cấp gần 5,1 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cận nghèo; huy động hơn 800 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của Đắk Lắk đạt 45,5 triệu đồng, cao gấp 1,54 lần so năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,3%, giảm hơn 12% so với năm 2014. Đến nay 100% số xã ở Đắk Lắk có đường ô tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia với hơn 98,5% số hộ được sử dụng điện.
Đại hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, số hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững, cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn; tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra; trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Một số chương trình, dự án triển khai còn chậm, nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra; nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế…
Mục tiêu đến năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đầu nâng thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng 1,5 lần so với hiện tại; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 68%, lao động đến tuổi có việc làm; trên 95% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn chức danh theo quy định; 98% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được sử dụng điện; 60% xã đạt tiêu chí Quốc gia về chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu tỉnh Đắk Lắk đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc đồng thời yêu cầu tỉnh cần: Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; triển khai sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, các nghị quyết chính sách chỉ thị của trung ương và của tỉnh về công tác dân tộc đến với đồng bào; cần ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; cần sớm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại Đại hội, Bí Thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cám ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Đại hội của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Ông cũng đề nghị chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc thiểu số cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhận thức thống nhất và đầy đủ vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc; chú trọng thực hiện các chính sách cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ, cùng phát triển; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đề cao cảnh giác và ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch... Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư, bầu đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Toàn quốc lần thứ II năm 2020. Nhân dịp này, 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 14 tập thể, 28 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen.