Phiên chợ cuối năm của người dân xứ Lạng
- Y học 360
- 16:00 - 23/01/2017
Phiên họp chợ cuối năm của huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), diễn ra thường niên vào ngày 25 (tháng Chạp) tại khu chợ Thị trấn Na Sầm, bắt đầu từ 6h sáng cho đến khi trời tối. Năm nay, thời tiết ấm nên mọi người đi chợ sắm Tết rất đông đã tạo nên bầu không khí náo nhiệt khắp khu chợ.
Mọi ngóc ngách gần chợ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ Tết. Vào buổi sáng, chợ phiên đông đến độ người ta phải lách mãi mới có thể di chuyển được. Một số người do đến chợ muộn, không có chỗ đã ngồi hẳn ra giữa đường để rao bán hàng hóa.
Một góc chợ quê
Theo quan sát, chợ phiên như được chia ra làm 5 khu vực: bán rau quả và trái cây, bánh kẹo và gia vị, khu ăn uống và đồ khô, khu bán quần áo và cuối cùng là khu bán gia cầm. Mặc dù các loại mặt hàng được chia riêng thành từng đoạn nhưng do người đi chợ đông nên chỉ cần không để ý qua sát là đã đi quá nơi cần đến. Để quay lại được thì cũng khá vất vả vì chợ rất đông người.
Điều đặc biệt của phiên chợ Tết chính là hàng loạt các hàng bán lá dong, bánh khảo, giấy đỏ dán cửa nhà. Lá dong để gói bánh chưng, bánh khảo là loại bánh đặc trưng của người dân xứ Lạng mỗi khi dịp Tết Nguyên Đán về, còn giấy đỏ dán cửa nhà là những lá cờ bằng giấy để dán trước cửa nhà và trước ban thờ thể hiện cho mong muốn một năm mới an khang, phát đạt.
Lá sau sau non cũng là một trong những loại rau ưa thích của người dân nơi đây. Với những bó rau chỉ khoảng 5000 đồng, đem về rửa sạch và chấm với mẻ sốt với cà chua, từ lâu món ăn này đã trở thành món ăn đặc sắc của người dân xứ Lạng.
Gà làng được người dân đặt mua nhiều hơn gà công nghiệp
Điểm hấp dẫn của phiên chợ là mọi người trao đổi hàng hóa bằng những vật phẩm của chính gia đình nuôi trồng được. Anh Hoàng Văn Mạnh (Khu 2- Na Sầm- Văn Lãng- Lạng Sơn) cho biết gia đình anh trồng dứa và làm bánh khảo, hằng năm đến chợ phiên 25 đem ra đầu cầu để đổi cá, đổi tôm. Ai có gì, ai cần gì thì trao đổi với nhau, không cần đến tiền mặt. Chính nét đặc sắc này đã kết nối những con người thôn quê chân chất từ xa lạ thành thân quen, để cùng nhau đón một cái Tết ấm áp.
Bác Lê Thị Túc (Thôn Nà Kéo- Tân Mỹ- Văn Lãng- Lạng Sơn)nói: “Ngày chợ này, con cháu trong nhà dù công việc bận đến đâu cũng phải hoãn lại để đưa ông bà, cha mẹ đi chợ sắm Tết. Cả gia đình sẽ cùng nhau mua mọi thứ từ đồ cúng, đồ ăn, quần áo”. Trong gia đình, người trẻ tuổi sẽ chịu trách nhiệm sắm sửa bánh kẹo, hoa quả. Người lớn tuổi sẽ mua lá dong, đỗ, thịt lợn để gói bánh chưng và chọn gà cúng tổ tiên.
Tại chợ phiên cuối năm, không chỉ có cảnh mua bán mà còn xuất hiện nhiều những “thầy bói” xem tướng số bằng đường chỉ tay hoặc bói bài. Mỗi lần xem như vậy, tùy vào lòng hảo tâm mà mọi người đặt cho thầy bói. Đa số khách vào xem là những cô gái tuổi cập kê, với mong muốn sẽ nhận được tin tình duyên tốt lành từ “thầy”.
Trở về với những thứ đồ cần thiết cho Tết
Vì nghỉ Tết nên mọi người mua đồ ăn dự trữ trong hơn một tuần. Do đó, các loại rau củ dễ bảo quản như khoai tây, bí đỏ, cà rốt được mọi người tìm mua nhiều. Hành muối cũng là món ăn ưa thích của nhiều gia đình, do đó nhiều người đã muối sẵn hành để bán, nhưng đa số vẫn chọn tự mua hành về muối, vừa đảm bảo vệ sinh mà giá cũng rẻ hơn.