Phía Bắc có nguy cơ thiếu điện
- Các loại bệnh
- 18:46 - 04/08/2015
Đảm bảo an toàn cho công nhân khắc phục sự cố điện
Tính đến hết ngày 2/8, những tuyến đường nội bộ từ các kho mỏ đến cảng vẫn bị ảnh hưởng do ngập úng và sạt lở, không thể vận chuyển được than. Việc rót than tại các cảng, và rót hàng chuyển tải tại khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để cấp than cho khách hàng, cũng phải ngừng do mưa kéo dài liên tục. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cấp than cho các nhà máy NĐ.
EVN cho biết, số lượng thiệt hại của ngành điện chưa có thống kê chính xác, vì chưa có kết quả kiểm đếm chi tiết do thời tiết tiếp tục mưa, ngập nước, một số khu vực bị cô lập. “Hiện nay EVN đã và đang nỗ lực cùng các đơn vị trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ gồm Quảng Ninh, Sơn La.., chỉ đạo sát sao việc theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và khắc phục sự cố lưới điện theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo sớm cấp điện trở lại cho khách hàng. Đặc biệt, trong quá trình khắc phục sự cố, các đơn vị thực hiện biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho người lao động khi công tác tại hiện trường”- đại diện EVN cho biết.
Ngành điện miền Bắc thiệt hại hàng tỉ đồng. Ảnh: PA
Theo Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, đợt mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các đơn vị TKV tại Hạ Long và Cẩm Phả, hiện nay vẫn trong tình trạng dừng sản xuất, một số đơn vị có thể phải dừng lâu dài, nhằm bảo đảm an toàn cho người và thiết bị ở các khu vực Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Hòn Gai, Hà Tu… Do đó, trong thông cáo phát đi ngày 2/8, KTV cho biết, dự kiến ngành than Quảng Ninh buộc phải dừng sản xuất thêm vài ngày nữa để tập trung chống lũ và giải quyết sau lũ, bảo đảm an toàn cho người lao động. Đơn vị sẽ nỗ lực khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện. Cụ thể, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số 1 cung cấp than cho NĐ Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng...
Họp khẩn kêu gọi tiết kiệm điện
Việc cung cấp than cho các nhà máy NĐ bị gián đoạn suốt 1 tuần qua và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cấp điện của hàng loạt nhà máy NĐ trong thời gian tới. Do công suất tổ máy lớn, việc thiếu than sẽ ảnh hưởng lớn nhất tới Nhà máy NĐ Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2. Hiện, EVN có 10 nhà máy NĐ đang sử dụng nguồn than của TKV, với tổng lượng than còn tồn ở kho chỉ còn khoảng 722.500 tấn. Số than tồn này theo tính toán của EVN, chỉ đủ dùng cho một tổ máy chạy đến khoảng ngày 6- 7/8 tới.
Cụ thể, Duyên Hải 1 chỉ có thể chạy 2 tổ máy trong 10 ngày. Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đủ than chạy trong 7 ngày. Các nhà máy Nghi Sơn, Phả Lại 1, Phả Lại 2 chỉ có thể chạy trong vòng 15 ngày, và nhà máy Uông Bí có thể cầm cự được 20 ngày. “Trong đó, lượng than tiêu thụ cho một tổ máy phát điện chạy đầy tải lớn nhất là 6000 tấn/ngày đối với nhà máy Vĩnh Tân; 2, 5000 tấn/ngày đối với nhà máy Duyên Hải 1. Các tổ máy của nhiệt điện Phả Lại 2, Uông Bí, Quảng Ninh cần 3.100 tấn/ngày chạy mỗi tổ máy...” - EVN cho biết.
Trước tình hình cấp bách, để chia sẻ và giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp than do thời tiết, lãnh đạo TKV và EVN đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp phối hợp. Theo đó, hai Tập đoàn thống nhất lập phương án, triển khai sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho NĐ Vĩnh Tân 2 và chuyển tải than cấp cho NĐ Duyên Hải 1. Cụ thể, ngày 1-2/8 đã có thêm 1 tàu (non tải) đi Nhiệt điện Vũng Áng và một tàu 6 ngàn tấn từ cảng Cửa Ông vận chuyển than đi nhiệt điện Duyên Hải 1. Các ngày tiếp theo, TKV sẽ tiếp tục củng cố khẩn trương cấp than cho các nhà máy điện, tất nhiên là trong điều kiện ngớt mưa.
EVN trấn an khách hàng, việc cung cấp điện cho khách hàng khu vực phía Nam vẫn sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, EVN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, tránh lãng phí, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện bất khả kháng do thời tiết hiện nay.
Điện lực báo động cấp 1 EVN đã yêu cầu các tỉnh miền núi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang... là những nơi có nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, cần chú ý kiểm tra để có biện pháp phòng chống ngăn chặn sự cố lưới điện và phòng tránh tai nạn rủi ro đảm bảo an toàn cho con người và tài sản. Trong khi đó, EVN Hà Nội cũng đã ban hành lệnh báo động cấp 1 nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như hoạt động của các trạm bơm trên địa bàn trong thời điểm mưa lớn đang diễn ra tại Thủ đô. Tại các khu vực có đặt trạm bơm tiêu lớn (Yên Sở, Bắc Thăng Long-Vân Trì hay các địa điểm đầu mối dễ xảy ra úng ngập trên địa bàn thành phố), Cty này đều bố trí hai nguồn điện lưới và máy phát điện dự phòng; trực điều hành 24/24 giờ, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục trong những ngày mưa ở Hà Nội. |