Phe ủng hộ Anh rời EU đang thắng thế
- Tây Y
- 20:38 - 24/06/2016
11h46
Các tờ báo lớn ở Anh phải gấp rút thay ảnh trang bìa để phù hợp với xu hướng phe Brexit sẽ giành chiến thắng, bởi chỉ vài giờ trước đó các báo đồng loạt đưa hình ảnh lãng mạn của những nụ hôn ủng hộ Anh ở lại EU, hoặc chạy "tít" và đăng ảnh trang bìa là việc ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh (UKIP) và cũng là người phe ủng hộ Brexit, thừa nhận phe Brexit sẽ thua.
Bìa của báo Metro trước và sau. (Ảnh: BBC)
Bìa của báo The Mirror trước khi diễn ra trưng cầu. (Ảnh: BBC)
Bìa của báo The Mirror khi trưng cầu sắp ngã ngũ. (Ảnh: BBC)
11h05
Sự thắng thế của phe Brexit đang đặt ra câu hỏi với tương lai của Scotland. Mặc dù đa số cử tri Scotland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU, nhưng số cử tri ủng hộ rời EU cũng cao hơn so với dự đoán ban đầu.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết Scotland để ngỏ mọi khả năng để bảo vệ mối quan hệ giữa Scotland với châu Âu.
Trong khi đó, có không ít đồn đoán rằng Scotland sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa để quyết định có tách khỏi Liên hiệp Anh hay không. Năm 2014, Scotland từng tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Liên hiệp Anh nhưng đa số cử tri vẫn ủng hộ ở lại.
10h57
Phóng viên Ryan Heath của tờ Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết, Nghị viện châu Âu sẽ có cuộc họp khẩn cấp vào lúc 8 giờ sáng ngày 24/6 theo giờ địa phương để bàn về vấn đề Anh có khả năng rời EU.
10h44
Truyền thông địa phương đồng loạt dự báo phe Brexit đã giành chiến thắng. Đài BBC và ITV của Anh đều dự đoán phe ủng hộ Anh rời EU sẽ thắng thế. "Chúng tôi dự đoán tỷ lệ ủng hộ Brexit và chống Brexit sẽ là 52% so với 48%", BBC dự đoán.
10h24
(Ảnh: BBC)
Trong khi cử tri Bắc Ireland và Scotland bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU thì đa số cử tri xứ Wales ủng hộ Brexit. Tại Wales, hơn 854 nghìn cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, vượt so với con số 772 nghìn cử tri ủng hộ ở lại.
10h11
Đến 10h sáng nay, kết quả kiểm phiếu sơ bộ sau trưng cầu dân ý ở Anh vẫn cho thấy thế giằng co giữa phe ủng hộ Anh ở lại EU với phe ủng hộ rời EU (Brexit).
Theo cập nhật của BBC, hiện số phiếu ủng hộ Brexit đang tạm dẫn trước số phiếu ủng hộ Anh ở lại EU. Cụ thể, số phiếu Brexit là hơn 11,2 triệu phiếu, so với số phiếu ủng hộ Anh ở lại EU là hơn 10,4 triệu phiếu.
Trả lời phỏng vấn BBC, Bộ trưởng Phát triển đối ngoại của Anh Justine Greening kêu gọi, dù kết quả thế nào người dân Anh cũng nên đoàn kết trở lại. Trong khi đó, ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh và cũng là một trong những người đứng đầu chiến dịch Brexit, nói: "Hãy để ngày 23/6 ghi dấu vào lịch sử của chúng ta như một Ngày Độc lập".
Ông Nigel Farage, Chủ tịch đảng Độc lập Anh, tự tin rằng ngày 23/6 sẽ trở thành "Ngày Độc lập" của nước Anh. (Ảnh: BBC)
Trên thị trường tài chính, đồng Bảng Anh giảm mạnh xuống còn 1,34 USD/Bảng, thấp nhất kể từ năm 1985. Các thị trường chứng khoán thế giới cũng đồng loạt mất điểm.
7h05
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, hiện đã có 5 thành phố và khu vực ở Anh công bố kết quả. Trong đó, duy nhất thành phố Sunderland bỏ phiếu ủng hộ Anh rút khỏi EU (Brexit). Cụ thể, hơn 61% cử tri Sunderland ủng hộ Brexit, cao hơn tỷ lệ 56,5% do J.P. Morgan dự báo.
Sunderland là thành phố ở phía bắc nước Anh, tập trung nhiều cử tri cao tuổi, thu nhập thấp. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu ở Sunderland được công bố, đồng Bảng Anh giảm 4,4% so với USD xuống 1,4295 USD/Bảng, từ mức 1,508 USD/Bảng.
Như vậy, còn 377 điểm kiểm phiếu nữa sẽ công bố dần kết quả trong vòng sáng nay. Các cuộc khảo sát trực tuyến cho thấy ưu thế vẫn nghiêng về phe ủng hộ Anh ở lại EU.
Cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử của Anh được cho là sẽ tác động không nhỏ đến nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) mà đến cả thế giới.
Nếu Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời EU, đây sẽ là một đòn giáng mạnh nhất vào liên minh này kể từ khi ra đời. EU sẽ không còn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay một liên minh quân sự chính của thế giới. Điều đáng nói, chiến dịch Brexit khi đó sẽ kéo theo tiền lệ cho các quốc gia khác trong EU. Còn với Anh, Brexit có thể sẽ khiến làn sóng đòi độc lập của Scotland dâng cao trở lại.
Tuy nhiên, kể cả người Anh bỏ phiếu ở lại EU, liên minh này cũng vẫn phải đối mặt với sức ép buộc phải thay đổi cơ chế, trong đó có thể phải trao nhiều quyền tự quyết hơn, dành thêm các cơ chế riêng cho thành viên.