THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

Phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi: Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra

Chọn dự án trọng điểm, mang tính dẫn dắt để làm trước

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đánh giá, dự thảo Chương trình được xây dựng công phu, tâm huyết, toàn diện, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. 

Phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi: Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)

Tuy nhiên, đại biểu Trang cũng đề cập đến vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm, trăn trở nhất, chính là nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Chương trình. Đại biểu cho rằng, sự trăn trở này có cơ sở vì trước đây chúng ta ban hành một số chính sách song không có nguồn lực bảo đảm, nhất là chính sách cho đồng bào DTTS.

Theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 - 2025 là 114 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10 nghìn tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm thực hiện Chương trình này đã khó, thì việc địa phương vốn đối ứng để bảo đảm thực hiện càng khó hơn, "vì đa số các tỉnh thụ hưởng chương trình này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương", đại biểu Trang nêu. 

Để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác, đại biểu đoàn Nghệ An lưu ý, cần xây dựng lộ trình theo giai đoạn và hàng năm.

Đặc biệt, cần xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, mang tính dẫn dắt làm trước. 

Thay vì thực hiện đồng thời cả 10 dự án trong chương trình, giai đoạn đầu chỉ nên tập trung thực hiện một số dự án như: Dự án tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án ổn định, phát triển dân cư; Dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục. 

"Có như vậy mới thực hiện nguyên tắc được Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra: Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư", nữ đại biểu tỉnh Nghệ An nói.

Chung quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị, đối với dự án số 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào DTTS&MN, nhất là chỉ tiêu đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng (cứng hóa đường giao thông), hầu hết các xã đều có đường giao thông kiên cố về đến trung tâm xã, đại biểu Tô Ái Vang nhận xét, mới chỉ đạt mức tối thiểu, chưa đạt cấp độ theo tiêu chuẩn của ngành giao thông – vận tải.

Giao thông đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS ở nước ta có nhiều khó khăn, khó đi lại trong mùa mưa lũ. 

Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở, hư hỏng, nếu gặp thiên tai, mưa lũ, đường giao thông bị tàn phá nặng nề, có nguy cơ tiềm ẩn rất cao. 

"Do vậy, chương trình MTQG lần này cần cân nhắc tính khả thi, tính trùng lặp của các dự án thành phần so với các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, để tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm", ông vang nói.

Phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi: Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu)

Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị cần bổ sung quy hoạch khu tái định cư tập trung cho đồng bào DTTS ở dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, phát huy hết năng lực sẵn có, đáp ứng nhu cầu của đồng bào DTTS, mà còn bảo đảm khả năng đi trước một bước, thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chương trình cơ cấu kinh tế, các nghề sử dụng nhiều lao động ở khu vực này.

Năm 2020: Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhấn mạnh, giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta đang thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 

Hai chương trình này đã phát huy kết quả hết sức tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ mặt của nông thôn, đẩy nhanh thoát nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS miền núi, các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Ông đánh giá cao, trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 9,2% năm 2016 xuống còn 3% năm 2020 và hiện tại đã có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, đây là những chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. 

Với những kết quả đạt được, đại biểu Phương khẳng định, chắc chắn đông đảo cử tri, đặc biệt là nông dân, người nghèo, đồng bào DTTS miền núi khó khăn mong muốn tiếp tục triển khai thực hiện chương trình này trong giai đoạn tới.

Về thứ tự ưu tiên các dự án thành phần, trong điều kiện cân đối nguồn lực, ngân sách còn nhiều khó khăn, theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, nếu đầu tư dàn trải, không tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án giai đoạn đầu và nên tập trung vào các dự án giải quyết được 5 vấn đề cơ bản, mang tính chất nền tảng, như đầu tư mạnh hơn cho giáo dục, đào tạo để tạo cái gốc phát triển con người; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; 

Đầu tư phát triển vào DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và sinh kế cho đồng bào.

Phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi: Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Phát huy tính tự lực, tự lập của người dân

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương tự khảo sát, xây dựng đề án cho địa phương, vì mỗi địa phương có tiềm năng, khó khăn riêng, tự xác định cây con có thế mạnh riêng. 

Việc xác định mẫu số chung về cây con chủ lực sẽ dễ dẫn đến không sát với nguồn lực địa phương và có thể xảy ra tình trạng sản xuất ra hàng loạt cây con, phải giải cứu nông sản. Về cơ chế, trong 10 dự án được đưa ra trong dự thảo Chương trình cơ bản mang tính chất hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn hỗ trợ cơ chế.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, theo đại biểu, cần giảm tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, phát huy tính tự lực, tự lập của người dân thì việc hỗ trợ cơ chế sẽ phù hợp, sẽ quan trọng hơn. Ví dụ, thực hiện những cơ chế tài chính như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ thuế, các hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản… sẽ tạo động lực cho địa phương chăm lo nguồn thu trên địa bàn.

Giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Chương trình MTQG này là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65, Quốc hội khóa XIV đã có 3 kỳ họp thứ 6, 8, 9 bàn về chính sách dân tộc, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị cao.

Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, chúng ta đã xây dựng được một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, một kỳ tích lịch sử mà nhiều năm qua chúng ta chưa làm được, tuy nhiên, ông Chiến nêu: "Dù vẫn còn một số nội dung cần được bổ sung khi lập báo cáo khả thi và tổ chức thực hiện chương trình nhưng chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng, Quốc hội sẽ chia sẻ và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình tại kỳ họp này, một chương trình không chỉ nhằm phát triển KT- XH mà còn mang theo sứ mệnh đại đoàn kết các dân tộc, đa mục tiêu, giàu tính nhân văn và ghi đậm dấu ấn lịch sử của Quốc hội khóa XIV".

Về nhóm ý kiến về xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, văn hóa, tập quán của các dân tộc, Bộ trưởng Đỗ văn Chiến nêu,  các ý kiến này rất sát thực tiễn, đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ông nhấn mạnh, chúng ta đã có nhiều bài học không thành công về sự áp đặt theo ý chủ quan. Do vậy, đề xuất trong chương trình mang tính hướng dẫn, chủ yếu xây dựng mô hình để người dân tham khảo. Mô hình này theo miền, vùng chứ không phải một mô hình cho toàn quốc.

"Việc đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì, làm dịch vụ nghề gì có hiệu quả là do địa phương và người dân quyết định. Đúng như phương châm đã xác định, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, nhà nước hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không quyết định thay người dân", ông Chiến nói.

Điểm mới trong chương trình này, theo ông Chiến, là Quốc hội đã quyết định để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đến các dự án tạo sinh kế cho đồng bào, khuyến khích sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc đi đôi với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm khác biệt, độc đáo riêng có của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

"Với ý tưởng này chúng tôi rất kỳ vọng sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp", ông Chiến kỳ vọng.

Thừa nhận, chỉ một chương trình này, cũng chưa thể giải quyết hết được khó khăn của đồng bào DTTS hiện nay, và cũng chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn, song ông Đỗ văn Chiến khẳng định, rõ ràng đây là một cơ hội lớn, nguồn sinh khí mới, đồng bào sẽ có điều kiện để giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn hiện nay. 

"Chắc chắn đồng bào sẽ rất vui mừng, phấn khởi và mãi mãi biết ơn Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước", ông Chiến khẳng định.


Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh