THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Quyết tâm để đạt kết quả cao nhất

Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Quyết tâm để đạt kết quả cao nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Chính sách kinh tế vĩ mô phải tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là tột độ"

Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%.

So với số đã báo cáo, kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%). Ngoài ra, có 4 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm: tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải…

Tuy nhiên, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức dạy và học, tinh giản nội dung, chương trình học…

Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Quyết tâm để đạt kết quả cao nhất - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2020

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020

Kịch bản 1: thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4.2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III.2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4.2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV.2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay từ thực tế, cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay có tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Quyết tâm để đạt kết quả cao nhất - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Kịch bản tăng trưởng phải sát với thực tế

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, từ đó dự toán ngân sách đi theo kịch bản tăng trưởng 6,8%. Giờ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nếu muốn điều chỉnh phải trình cấp có thẩm quyền.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Trung ương nói phấn đấu nỗ lực đạt mức cao nhất, chứ chưa "bật đèn xanh điều chỉnh". Muốn điều chỉnh phải có tờ trình xin ý kiến Trung ương. Qua mấy tháng chưa có cơ sở đánh giá cụ thể song cần nỗ lực cao, hạn chế thấp nhất sự sụt giảm. Các kịch bản đưa ra phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ và sát với thực tế.

"Chính sách kinh tế vĩ mô phải tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là tột độ" – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Chính phủ nên có báo cáo Quốc hội theo hướng cho chỉ tiêu thực tế cùng với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra hoặc có thể xảy ra.

"Giờ điều chỉnh ngay chỉ tiêu thì sau này diễn biến mới thì có điều chỉnh nữa không? Cần cân nhắc, chúng ta vẫn điều hành rất thực tế, biết tăng trưởng sẽ giảm nhưng đồng thuận, quyết tâm để đạt kết quả cao nhất có thể" – bà Tòng Thị Phóng nói.

Phát triển kinh tế xã hội năm 2020: Quyết tâm để đạt kết quả cao nhất - Ảnh 4.

Phó Chủ tich QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, mục tiêu bây giờ là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ, nếu cần thiết phải có tờ trình cụ thể, phân tích rõ để cấp có thẩm quyền xem xét. Mục tiêu bây giờ là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ thêm 2 nội dung: Đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, về dịch Covid-19. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp cũng là sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Điều này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, dự báo năm 2020 sát nhất, có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng làn sóng thứ hai của dịch bệnh diễn ra vào Thu – Đông 2020, dịch bệnh chưa chấm dứt ngay, chưa có vaccine phòng bệnh.

"Theo đó tăng trưởng của Việt Nam nếu có kịch bản 3 thì có thể chỉ 3%, kéo theo cân đối lớn gặp khó, hụt thu ngân sách; bội chi, nợ công cao hơn so với kịch bản 1 và 2. Từ đó có giải pháp thích ứng" – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh