Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
- Tây Y
- 02:53 - 09/11/2016
Cần có cơ chế đặc thù để du lịch phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sau 10 năm triển khai Luật Du lịch, du lịch Việt Nam đã có bước tiến đáng khích lệ. Năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng.
So với năm 2005 khi Luật Du lịch được ban hành, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng hơn 2 lần, khách du lịch nội địa tăng gần 4 lần, tổng thu từ du lịch tăng hơn 11 lần...
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch, tình hình kinh tế, xã hội nước ta cũng như tình hình thế giới có nhiều thay đổi. Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi) sáng 8/11, nhiều đại biểu cho đề nghị bổ sung trong dự án luật về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, có cơ chế chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này, bởi thực tế thời gian qua việc đào tạo nhân lực lĩnh vực này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Công tác quản lý nhà nước về du lịch liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, do vậy, dự án luật cũng cần bổ sung quy định tạo cơ chế phối hợp trong quản lý du lịch.
Nhiều đại biểu cũng nêu thực tế hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý trong ngành du lịch liên quan đến nhiều bộ, ngành chứ không chỉ thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, do vậy đại biểu đề nghị dự án luật cần mở rộng thẩm quyền của các bộ ngành liên quan trong công tác quản lý..
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10-20 năm tới nên Luật phải có tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ để giúp ngành này phát triển nhanh hơn.
Siết chặt hoạt động kinh doanh lữ hành
Các đại biểu thảo luận Dự án Luật du lịch (sửa đổi)
Để đảm bảo xây dựng du lịch Việt Nam có chất lượng, phát triển bền vững, lâu dài và xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam liên quan đến mảng lưu trú, đại biểu đề xuất phải có những yêu cầu bắt buộc xếp hạng để tránh quảng cáo sai chất lượng dịch vụ, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, đánh đồng cơ sở được xếp hạng với những cơ sở không được xếp hạng, tự mạo nhận, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch trong thời gian tới.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), hiện chưa có quy chuẩn thống nhất về xếp sao hạng, dẫn đến các địa phương tùy tiện nâng sao để cạnh tranh, khiến khách hàng phải chịu trận khi bị tăng giá vô tội vạ.
Về điều kiện kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 32 dự thảo Luật, các ý kiến cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia nhưng những quy định trong dự thảo còn khá mở và đơn giản. Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo.
Còn theo đại biểu Phạm Phú Quốc, kinh doanh lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện, tổng hợp của các dịch vụ, kết nối và có doanh thu lớn, dễ tổ chức nên cần quy định để thể hiện được quy mô của lữ hành, đảm bảo được số lượng nhân sự, số hướng dẫn viên có chuyên môn nghiệp vụ, để doanh nghiệp mang dáng dấp vững vàng. Khi cho phép thành lập doanh nghiệp lữ hành phải có quy mô và đủ các điều kiện liên quan, đảm bảo chất lượng.
Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, trước thực tế có tình trạng nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch, không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách; những doanh nghiệp nhỏ trong nước sẵn sàng bán thương hiệu của mình để các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động, đại biểu thống nhất quan điểm người Việt Nam mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam nếu đủ các điều kiện theo quy định, người nước ngoài không được hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều vi phạm nghiêm trọng, có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách trái qui định, xuyên tạc cả văn hóa, lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch Việt Nam. Do vậy, không thể bỏ qua tiêu chí, điều kiện về nguồn nhân lực.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng cần quan tâm đến đạo đức hướng dẫn viên. Bởi, trong thực tế, đạo đức của nhiều trường hợp chưa tốt, từ việc sử dụng bằng cấp giả để được cấp thẻ hướng dẫn viên, đưa khách đi không thực hiện hết nghĩa vụ của mình đối với khách, không phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh... Nhiều hướng dẫn viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động du lịch tại Việt Nam. Đại biểu cho rằng thanh tra du lịch là cần thiết và phải là thanh tra chuyên ngành về du lịch, để đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch.