Phát thải ròng bằng không đem lại lợi ích bằng 5 lần chi phí tại châu Á
- Y học 360
- 05:57 - 30/04/2023
Những lợi ích này bao gồm tổn thất kinh tế tránh được từ biến đổi khí hậu cũng như sức khỏe được cải thiện nhờ không khí sạch hơn là có thể đạt được thông qua những cải cách chính sách mục tiêu, theo Báo cáo chủ đề Triển vọng Phát triển châu Á: Châu Á trong công cuộc chuyển dịch toàn cầu sang phát thải ròng bằng không, được công bố ngày hôm nay.
Trong kịch bản thế giới phối hợp cùng nhau ngay lập tức để giảm tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2°C, phù hợp với Hiệp định Paris, chi phí của khu vực này sẽ vào khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm, ngay cả khi chưa tính tới lợi ích về chất lượng không khí hoặc khí hậu.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park nhận định: “Để chính sách khí hậu thành công, chúng ta cần áp dụng những cách tiếp cận hiệu quả về mặt kinh tế, ví dụ như định giá các bon. Báo cáo này cho thấy việc chuyển dịch hiệu quả để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris có thể mang lại những lợi ích cao gấp năm lần chi phí. Thế giới cần phối hợp cùng nhau để đạt được các mục tiêu khí hậu của chúng ta và bảo đảm tăng trưởng và thịnh vượng bền vững, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau".
Châu Á và Thái Bình Dương đang đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Khu vực này chiếm tới 70% dân số toàn cầu đang đối mặt rủi ro do mực nước biển dâng. Đồng thời, nơi đây cũng chiếm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2019. Sẽ không thể đạt được các mục tiêu kinh tế và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương đồng thời với việc tránh được rủi ro khí hậu thảm khốc nếu không chuyển đổi mô hình tăng trưởng của khu vực, theo nhận định trong báo cáo.
Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải nhanh chóng thay thế than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn các “bể chứa các bon”, chẳng hạn như rừng. Kết quả là, tới năm 2030, phương pháp tiếp cận phát thải ròng bằng không toàn cầu có thể cứu sống khoảng 350.000 người mỗi năm ở châu Á và Thái Bình Dương nhờ giảm ô nhiễm không khí. Nó cũng có thể tạo thêm 1,5 triệu việc làm trong ngành năng lượng vào năm 2050. Báo cáo cũng nhận định rằng với kịch bản ấm lên toàn cầu trung bình gần 4°C vào năm 2100, những tổn thất do biến đổi khí hậu sẽ tăng dần theo thời gian, dẫn đến thiệt hại lên tới 24% GDP của châu Á đang phát triển vào cuối thế kỷ này.
Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: định giá các-bon và cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất, các quy định và cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy năng lượng sạch hơn, và bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc làm để bảo đảm công bằng.
Báo cáo này là một phần của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO), ấn phẩm kinh tế hàng đầu của ADB. Báo cáo cập nhật ADO tháng 4/2023 đã được công bố vào ngày 4/4 và bao gồm phần phân tích và nhận định kinh tế cho 46 nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương.