THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:33

"Phát sốt" vì mất tiền trong thẻ ATM

 

Cơ quan công an cũng đã bắt hàng loạt vụ việc dùng thẻ ATM giả để rút tiền, trong đó đa phần các đối tượng là người nước ngoài.

Thẻ trong ví, tiền vẫn bị rút
Vụ việc gây xôn xao thời gian gần đây là trường hợp anh Nguyễn Tấn Thạnh - chủ một tài khoản mở tại Ngân hàng Đông Á, chi nhánh quận Bình Tân, TP.HCM đã bất ngờ bị rút mất 20 triệu đồng trong tài khoản ATM. Trong biên bản làm việc ngày 30/10, Ngân hàng Đông Á xác nhận, tài khoản của anh Thạnh bị rút tiền liên tục trong vòng 2 phút tại một trụ ATM của Ngân hàng Liên Việt PostBank Quận 3.

Bị mất tiền, anh Thạnh đã đề nghị ngân hàng bồi thường số tiền 20 triệu đồng bị rút. Qua nhiều khâu xác minh, ngày 23/11, Ngân hàng Đông Á đã có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ, vào thời điểm thực hiện 10 giao dịch đó, camera có ghi dữ liệu, nhưng người thực hiện đã cố tình che camera nên không nhìn được rõ mặt người thực hiện giao dịch. Hiện Ngân hàng Đông Á cũng đã tạm ứng để bồi hoàn số tiền 20 triệu đồng cho anh Thạnh với điều kiện nếu tiền không được rút từ thẻ ATM của anh Thạnh thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm, và nếu tiền được rút từ thẻ ATM của anh thì anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và các chi phí điều tra. Sự việc đã được chuyển qua cơ quan công an để điều tra và chờ kết luận chính thức.

Tương tự, đơn của như ông Cù Đình Thắng (Quận 4, TP HCM), chủ thẻ ATM Vietcombank cũng cho biết, trong tối 26/11, điện thoại ông có 7 tin nhắn thông báo trừ tài khoản từ Vietcombank, tổng cộng là 14 triệu đồng. Nghĩ là tin nhắn rác nên ông không kiểm tra, cho đến tối, khi mở máy thì ông bất ngờ vì đó là những tin nhắn thông báo tài khoản ATM của ông bị rút tiền 7 lần với tổng cộng 14 triệu đồng. Ngân hàng Vietcombank cho biết hiện hai bên đang phối hợp với cơ quan chức năng để sớm xác minh làm rõ. Trong trường hợp xác định mất tiền do gian lận thẻ, ông Thắng sẽ nhận được số tiền bồi thường từ quỹ rủi ro của Vietcombank theo quy định ngân hàng. 

Đây chỉ là 2 vụ việc mới nhất trong số rất nhiều vụ việc người dùng thẻ ATM bỗng nhiên nhận được tin nhắn tài khoản bị rút tiền trong khi không hề thực hiện giao dịch rút tiền. Điểm chung là các giao dịch rút tiền trong tài khoản được diễn ra liên tục trong thời gian ngắn khiến chủ thẻ thậm chí chưa kịp gọi điện đến ngân hàng thông báo khóa thẻ thì số tiền đã bị rút hết. Nhiều trường hợp dù camera tại trụ ATM có ghi lại được hình ảnh đối tượng rút tiền nhưng các đối tượng đã tinh vi dùng các thủ đoạn che chắn khiến việc nhận diện gần như là không thể, công tác điều tra vì vậy rất khó khăn. Ví như trường hợp anh Thạnh, đến nay dù đã hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức.

Dễ bị làm giả
Không thể bỗng dưng tiền trong tài khoản lại bốc hơi, chắc chắn phải có kẻ gian lợi dụng sơ hở nào đó để trộm tiền. Bởi theo các chuyên gia, hiện nay, từ khâu phát hành thẻ đến khâu sử dụng thẻ ở Việt Nam, có rất nhiều khả năng sơ hở mà kẻ gian có thể lợi dụng rút tiền. Ông Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT) cho rằng rủi ro có thể xuất phát từ cả hai phía, từ những trục trặc của hệ thống ngân hàng đến sự bất cẩn của người dùng. “Nếu hệ thống bảo mật ngân hàng không tốt thì tin tặc có thể xâm nhập để thu thập thông tin các tài khoản. Về phía khách hàng, cũng có nhiều rủi ro cả khi rút tiền trực tiếp ở các máy ATM lẫn khi rút tiền trực tuyến qua mạng”. 

Cụ thể, khi thực hiện các giao dịch trực tuyến qua mạng, khách hàng có thể gặp rủi ro khi máy vi tính có cài mã độc hoặc bị tin tặc đánh cắp thông tin. Còn trong trường hợp rút tiền trực tiếp, khách hàng cũng có thể gặp một số rủi ro như  bị kẻ gian lắp đặt thiết bị lấy thông tin hoặc camera ghi nhận thông tin. Ngoài ra, cũng có thể là do chủ thẻ vô tình để lộ mật mã thẻ rồi bị bạn bè hoặc người thân… lợi dụng lấy thẻ rút trộm tiền sau đó trả về chỗ cũ.

Bên cạnh đó, công nghệ thẻ từ đang được sử dụng ở Việt Nam được đánh giá là công nghệ không quá phức tạp nên khả năng bị làm giả là rất dễ dàng từ các thiết bị mua được ngoài thị trường. Để sử dụng được các thẻ giả này, tội phạm chỉ cần thông tin dữ liệu thẻ và mã PIN mà chúng có thể lấy cắp thông qua các thủ đoạn trên. Dữ liệu thẻ sau đó được in lên thẻ trắng bằng các máy in thẻ, tạo thành các thẻ giả và sử dụng cùng với mã PIN mà chung đánh cắp được. 

Thực tế thời gian gần đây, lực lượng công an Việt Nam đã bắt giữ rất nhiều vụ việc người nước ngoài làm giả thẻ tín dụng rồi đến Việt Nam rút tiền. Cụ thể những tên tội phạm này thường dùng chiêu lấy thông tin ăn cắp từ tài khoản của người nước ngoài và chọn Việt Nam làm nơi thực hiện rút tiền. Không chỉ người nước ngoài mà công nghệ rút tiền bằng thẻ giả cũng bị nhiều tên tội phạm Việt Nam sử dụng. Gần đây, các ngân hàng cũng đã phối hợp với lực lượng công an khám phá rất nhiều vụ việc. Chẳng hạn như hồi tháng 6-2015, Công an Quận 1 (TP.HCM) bắt giữ Trần Hoàng Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Thành Hải (Quận 1) sử dụng thẻ giả để rút tiền. Qua kiểm tra, công an phát hiện 2 người này có tới 16 thẻ ATM giả và 10 CMND mang tên người khác. 

Làm gì để bảo vệ tiền trong thẻ ATM?
Để đảm bảo an toàn hơn thì các ngân hàng đang trong quá trình chuyển dần từ dùng thẻ từ sang thẻ chíp. Thẻ chíp là loại thẻ theo công nghệ EMV có tính bảo mật an toàn cao hơn, khó bị lấy cắp thông tin tài khoản. Trong tổng số khoảng 84 triệu thẻ tín dụng mà các ngân hàng phát hành hiện nay thẻ chíp chỉ chiếm tỉ lệ chỉ 3-4%, còn lại là thẻ từ. Lý do là chi phí đầu tư thẻ chíp gấp 3-4 lần so với thẻ từ và chuẩn chíp hiện nay cũng đang được xây dựng cho phù hợp. Lộ trình đến năm 2020 thẻ chíp sẽ thay thế hoàn toàn thẻ từ ở Việt Nam.

Với người sử dụng thẻ ATM hiện nay, nguy cơ rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra, cũng như việc người tiêu dùng để tiền trong túi của mình vẫn có khả năng xảy ra mất trộm, cướp giật. Chỉ có điều, khi khách hàng sử dụng thẻ, nếu theo sát hướng dẫn của ngân hàng thì sẽ hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro.

Theo các chuyên gia, khách hàng cần tuân thủ một số nguyên tắc sau để tránh trường hợp mất tiền oan. 
Thứ nhất là tuyệt đối không chia sẻ, cho mượn thẻ ATM. Nên ghi nhớ số PIN, không ghi ra số PIN ở bất cứ chỗ nào, không tiết lộ số PIN cho người khác biết. 

Thứ hai, khi rút tiền ở thẻ ATM nên quan sát, để ý xem có phát hiện những vật thể lạ trên ATM để phòng trường hợp kẻ xấu gắn camera. Khi thực hiện thao tác cần chú ý che chắn để tránh lộ mật khẩu nếu chẳng may có người quan sát hoặc camera.

Thứ ba, đối với người thường xuyên sử dụng thẻ ATM để giao dịch trực tuyến cần cảnh giác vì thủ đoạn ăn cắp thông tin thẻ qua lây virus là rất phổ biến. Để phòng tránh mối rủi ro này, trước hết người sử dụng phải sử dụng phần mềm phòng chống virus. Nếu muốn vào các cổng thanh toán trực tuyến, phải gõ địa chỉ trực tiếp vào trình duyệt, không nên bấm vào đường link, vì đường link có thể là được làm giả gần giống với địa chỉ thực tế. Không thanh toán điện tử ở những website ít tên tuổi, ít đảm bảo.

SMS Banking cũng được coi là công cụ cảnh báo hữu hiệu cho các giao dịch của khách hàng, vì vậy khách hàng nên đăng ký dịch vụ này tại ngân hàng phát hành để nhận được các tin nhắn thông báo giao dịch phát sinh từ tài khoản của mình. Khách hàng cũng nên cung cấp những biến động cá nhân như mất điện thoại, thay số điện thoại mới nên cung cấp cho ngân hàng và thông báo nhà mạng để cắt sim khi mất điện thoại hoặc sim đấy.

Theo An ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh