Phát phiếu đến từng nhà không phải để định hướng bầu
- Tây Y
- 20:13 - 20/05/2016
Trao đổi với VietNamNet, trước khi kết thúc ngày tiếp xúc giữa các ứng viên với cử tri (lúc 7h ngày 21/5), ông Nguyễn Văn Pha thông tin báo cáo của các địa phương cho thấy, số cuộc tiếp xúc cử tri không tăng nhưng số cử tri tham dự đông. Như tại Quảng Ninh có cuộc có tới hơn 600 cử tri dự.
"Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, sự trao đổi qua lại, chất vấn của cử tri đối với chương trình hành động của người ứng cử một số nơi làm khá tốt để xem chương trình hành động đó có khả thi không, khi trúng cử ứng viên có thực hiện lời hứa của mình không. Tôi thấy báo cáo các địa phương gửi về rất tốt", ông Pha cho biết.
Tuy nhiên, còn một số nơi xảy ra tình trạng biến cuộc tiếp xúc thành những kiến nghị vụ việc cụ thể. Hoặc một số nơi, số cử tri tham dự ít, sự trao đổi qua lại giữa cử tri và ứng viên không được phong phú...
Phó chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Văn Pha. Ảnh: Hoàng Long |
Không hứa việc không thuộc thẩm quyền
- Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, ông thấy chương trình hành động của các ứng cử viên đã cụ thể, sát với điều mong muốn của cử tri chưa?
Tôi thấy hầu hết chương trình hành động của người ứng cử khá gọn, cụ thể, thiết thực, ít lời hứa chung chung. Không có ai hứa những việc không thuộc thẩm quyền của mình hay những việc khả năng mình không làm được.
Thậm chí có người ứng cử phía Nam có hứa nếu trúng cử sẽ ủng hộ cử tri số tiền cụ thể để làm công trình phúc lợi này kia. Tôi hỏi, nếu chắc chắn được thì có thể công bố trước cử tri.
Tất nhiên, những lời hứa ai cũng cần phải hứa là nếu trúng cử thì sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời đôn đốc và giám sát lời hứa đó thì hầu hết những người ứng cử đều hứa với cử tri.
- Một số ý kiến đề nghị thêm hình thức vận động bầu cử bằng cách mạn đàm tiểu sử người ứng cử, việc này được thực hiện ra sao, thưa ông?
Một số địa phương có thêm hình thức mạn đàm tiểu sử người ứng cử. Hình thức này Ủy ban bầu cử TP Hà Nội có trao đổi với MTTQ Việt Nam và Hội đồng bầu cử quốc gia và đề nghị hướng dẫn. Chúng tôi trả lời trong luật không quy định mạn đàm tiểu sử.
Nhưng vì lý do chúng ta bầu cử cùng một lúc 4 cấp cho nhiều người ứng cử, để tạo cho cử tri có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về người ứng cử thì việc mạn đàm tiểu sử là cần thiết.
Vì vậy, các địa phương sẽ photo tiểu sử của người ứng cử cả 4 cấp gửi về cho các hộ gia đình, tổ dân phố, tổ chức các cuộc nghiên cứu, đánh giá, nhận xét.
Phát tiểu sử để hiểu người ứng cử
- Có một số ý kiến lo ngại về việc cán bộ tổ dân phố, phường khi phát thẻ cử tri và tiểu sử của người ứng cử có “dặn dò” nên bầu người này, gạch tên người kia?
Trong văn bản MTTQ gửi về Hà Nội có nói rõ, việc mạn đàm tiểu sử chỉ để cử tri hiểu rõ hơn về tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử chứ tuyệt đối không can thiệp, định hướng cử tri bầu cho người này, người khác.
Việc này các địa phương đã quán triệt và làm tốt. Về cơ bản, các cử tri quan tâm có thể hiểu tường tận về những người ứng cử tại địa phương mình.
- Một trong những điểm mới được bổ sung trong luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp là mở rộng quyền bầu cử đối với những người đang bị tạm giam, tạm giữ. Vậy đến nay các địa phương đã chuẩn bị việc này như thế nào?
Các địa phương đã rất chủ động. Nơi nào có đông cử tri là người bị tạm giam tạm giữ như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội thì có thể thành lập đơn vị bầu cử ngay trại tạm giam đó để cử tri bỏ phiếu tại chỗ.
Hầu hết các địa phương còn lại, người tạm giam, tạm giữ đều được lập danh sách cử tri. Người ta sẽ mang hòm phiếu phụ vào nơi tạm giam, tạm giữ để cử tri bỏ phiếu vì người tạm giam, tạm giữ không được phép ra ngoài.
Tôi đi Hải Phòng, Quảng Ninh thấy chuẩn bị rất chu đáo bằng việc phát trước cho cử tri bị tạm giam, tạm giữ nghiên cứu trước tiểu sử của ứng cử viên để đến ngày bầu cử, họ mang hòm phiếu vào, cử tri chọn ai thì bầu cho người đó.
Tuy nhiên, cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ biến động theo thời gian. Có thể đến thời điểm bầu cử, có một số người được thả, được tạm tha hoặc cũng có thêm cử tri bị tạm giam, tạm giữ mới.