THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Thực hiện Chương trình MTQG: Phát huy sự tham gia của cộng đồng

Cộng đồng giám sát hiệu quả chương trình

Theo bản dự thảo, cộng đồng dân cư thụ hưởng kết quả từ các dự án, công trình thuộc chương trình MTQG có các quyền và nghĩa vụ: Được chính quyền địa phương xã cung cấp thông tin kịp thời và công khai về chủ trương, chính sách, kết quả lựa chọn, thứ tự ưu tiên các dự án/công trình thuộc chương trình MTQG trên địa bàn. Đóng góp ý kiến vào phương án quy hoạch khu dân cư, đề án định canh định cư vùng kinh tế mới; kế hoạch, dự án huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giải quyết việc làm trên địa bàn xã; đề xuất các hoạt động ưu tiên cho chương trình MTQG trên địa bàn trong quá trình lập kế hoạch thực hiện chương trình MTQG. Được tham gia vào quá trình thực hiện các chương trình MTQG, từ khâu xây dựng kế hoạch, đến khâu tổ chức thực hiện.

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, bản dự thảo nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện chương trình MTQG. Cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG. “Việc huy động cộng đồng cùng tham gia thực hiện là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm thế nào để người dân, cộng đồng tham gia mới là điều quan trọng. Bộ LĐ-TB&XH hiện đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong Chương trình quy định rất rõ cơ chế tham gia của cộng đồng: Cộng đồng tham gia như thế nào? Làm thế nào để huy động được sự tham gia của cộng đồng?”, ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, theo đại diện Ủy ban Dân tộc, quá trình thực hiện chương trình 135 cho thấy nhiều địa phương có sáng kiến hay để huy động sự tham gia và phát huy vai trò của cộng đồng. Lấy ví dụ, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, sau khi chương trình 135 xây dựng và bàn giao công trình nước sạch cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Một thành phần được địa phương và người dân đề xuất đưa thêm vào ban quản lý chính là cán bộ quản lý rừng đầu nguồn. Đây chính là người đảm bảo cung cấp nguồn nước để nhà máy nước hoạt động nhưng Trung ương không nghĩ ra! Hay như vừa qua, nhận được sự hỗ trợ của một dự án phi chính phủ, người dân tham gia giám sát một công trình đầu tư công. Họ cũng nhận ra: Trụ bê tông của công trình bị hở; ruột của trụ bê tông rỗng; trụ bê tông lẽ ra rộng 14cm nhưng thực tế chỉ được 12cm…

Huy động cộng đồng cùng tham gia thực hiện chương trình MTQG.

Cần thay đổi cách hệ thống giám sát

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm chính là cơ chế giám sát chương trình MTQG. TS Phạm Thái Hưng lấy ví dụ về logic của một chương trình giảm nghèo thường giám sát: Đầu vào (nguồn vốn, vật liệu xây dựng, cây/con/ giống vật tư sản xuất tạo sinh kế, tài liệu hướng dẫn); đầu ra (số km đường/ kênh mương, số hộ tham gia vào các hoạt động sinh kế, số người tham gia các lớp tập huấn); kết quả trung hạn (tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, cải thiện năng suất nhờ tưới tiêu, số hộ áp dụng kỹ thuật được tập huấn, số hộ triển khai hiệu quả hoạt động sinh kế được hỗ trợ); kết quả dài hạn (nâng cao thu nhập/ giảm nghèo, hài lòng với hỗ trợ nhận được, cải thiện đời sống).

Cũng theo TS Phạm Thái Hưng, cần thay đổi cách giám sát kết quả chương trình MTQG. Hệ thống đánh giá và giám sát gồm 2 phần chính: hệ thống tin quản lý và các báo cáo đánh giá chương trình. Hệ thống thông tin quản lý bao gồm các biểu mẫu đơn giản, thống nhất thu thập thông tin về đầu ra theo định kỳ. Hệ thống có thể được máy tính hóa (tối thiểu đến cấp huyện, có thể triển khai đến tận cấp xã).

Căn cứ thông tin được cập nhật trong hệ thống, các cơ quan thực hiện chương trình định kỳ xây dựng báo cáo tiến độ thực hiện chương trình. Chủ chương trình tổng hợp số liệu vào hệ thống trung tâm và công khai thông tin về tiến độ thực hiện chương trình.

Báo cáo đánh giá bao gồm đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ, trong đó báo cáo tập trung vào kết quả và tác động của chương trình. Báo cáo đầu kỳ để thiết lập thông tin cơ sở (xuất phát điểm); báo cáo giữa kỳ để so sánh với điểm xuất phát nhằm phát hiện những yêu cầu cần điều chỉnh chương trình; báo cáo cuối kỳ đánh giá tổng thể kết quả và tác động thực hiện. Các báo cáo đảm bảo độc lập, khách quan.

ĐỨC KIÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh