Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu “bẩn”
- Y học 360
- 17:00 - 21/08/2016
Sử dụng phụ gia Trung Quốc, sản xuất không đảm bảo ATTP
Phụ gia thực phẩm xuất xứ Trung Quốc không tem phụ theo quy định; người chế biến không đeo găng tay, khẩu trang; khu vực đóng gói không đảm bảo ATTP… đó là những vi phạm mà đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP. Hà Nội do GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn phát hiện trong buổi kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) mới đây. Tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh, Đoàn kiểm tra phát hiện một số phụ gia thực phẩm xuất xứ Trung Quốc nhưng không có tem phụ theo quy định. Cục An toàn thực phẩm đã lấy mẫu những loại phụ gia này để kiểm nghiệm…
Tại cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia, Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm như: Người chế biến nguyên liệu của cơ sở này không đeo găng tay, khẩu trang. Cũng tại đây, nguyên liệu kem trộn để sản xuất bánh quy có tên “King Milk Flavour” (hương sữa) có nguồn gốc từ Trung Quốc đựng trong xô nhựa nhếch nhác, không đảm bảo ATTP và khu vực đóng gói sản phẩm không đảm bảo các điều kiện cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm đối với cơ sở Tân Hoàng Gia; thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số nguyên liệu kem trộn, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm xem bên trong nguyên liệu này có chứa chất độc hại không.
Kiểm tra số kem trộn tại cơ sở Tân Hoàng Gia
Qua kiểm tra 3 cơ sở sản xuất bánh, kẹo tại xã La Phù, chỉ có cơ sở Toàn Vinh là chưa phát hiện vi phạm về ATTP. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu UBND xã La Phù đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất bánh, kẹo trên địa bàn, nhất là với các cơ sở sản xuất bánh trung thu, đồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng lập danh sách, thanh kiểm tra đột xuất toàn bộ gần 500 hộ sản xuất và xử lý thật nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Trao đổi sau cuộc kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, vấn đề không phải do cơ sở hạ tầng mà chính ý thức của doanh nghiệp mới là vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo ATVSTP. Ông dẫn chứng, để đảm bảo ATTP thì một chiếc thùng đựng inox có giá chưa đầy 200.000 đồng nhưng chủ cơ sở Tân Hoàng Gia vẫn dùng thùng đựng sơn bằng nhựa để chứa nguyên liệu làm kem. Mặt khác, cơ sở này có nhà xưởng rất rộng rãi nhưng khu vực sản xuất rất lộn xộn, khắp nền nhà đều dấp dính bởi kem và bột bánh vương vãi, nhiều khay nhựa, dụng cụ đựng bánh ở đây cũng bị cáu bẩn, công nhân khi sản xuất không đeo khẩu trang…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm nay. Việc kiểm tra sẽ được các đoàn tiến hành từ ngày 25/8 đến 14/9, 6 đoàn liên ngành sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Vĩnh Long, Lào Cai, Lai Châu và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc kiểm tra, còn lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống; tập trung ưu tiên những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt.
Các đoàn của Trung ương và cấp tỉnh, thành phố sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm số lượng lớn; ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo an toàn. Đối với các cơ sở vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đoàn liên ngành cấp huyện và xã, phường thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Đợt này, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp mạnh để xử lý nếu các cơ sở không chấp hành các quy định về ATVSTP. Để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi vậy, bộ máy chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm”.