CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Phạt đến 100 triệu đồng vi phạm trong lĩnh vực việc làm, BHXH và XKLĐ

 

Về vi phạm quy định về dịch vụ việc làm 

Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định mức phạt từ 45 - 60 triệu đồng đối với hành vi dịch vụ việc làm (DVVL) mà không có giấy phép hoạt động DVVL do cơ quan thẩm quyền cấp hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ hết hạn. Doanh nghiệp hoạt động DVVL còn phải trả lại cho người lao động phí dịch vụ đã thu với hành vi vi phạm trên.

Trường hợp doanh nghiệp có hành vi thu vượt mức phí quy định có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng với mỗi người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp phải trả lại cho người lao động phí đã thu cao hơn mức quy định đối với hành vi được quy định.

Trường hợp doanh nghiệp có hành vi thông tin sai sự thật và hoặc gây nhầm lẫn thông tin về việc làm có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng…

Về giao kết hợp đồng 

Doanh nghiệp có thể bị phạt từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động nếu có một trong các hành vi sau đây:

Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Người sử dụng lao động phải trả lại cho người lao động bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ.

Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng. Chủ sử dụng lao động phải trả lại tiền hoặc tài sản khác cho người lao động, cộng với khoản tiền lãi từ số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Giao kết hợp đồng lao động với người từ 15 tuổi tới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động…

Về thời gian thử việc 

Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động nếu có một trong 3 hành vi vi phạm sau đây: Yêu cầu người lao động thử việc quá 1 lần đối với 1 công việc; thử việc quá thời gian quy định; trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85 % mức lương của công việc đó.

NĐ 88/2015/NĐ-CP còn quy định biện pháp bổ sung với 3 hành vi vi phạm như trên: Buộc người sử dụng lao động phải trả 100 % tiền lương của công việc đó cho người lao động.

Ngoài ra, chủ sử dụng lao động có thể bị phạt với số tiền trên nếu trong trường hợp: Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng với người lao động…

Về lĩnh vực cho thuê lại lao động 

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có thể bị phạt tiền khi vi phạm một trong 3 hành vi sau đây:

Trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn lương của người lao động có trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có cùng giá trị như nhau của bên thuê lại lao động; trả lương và các chế độ khác cho người lao động thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên thuê lại lao động; thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của người lao động.

Mức phạt được quy định cụ thể: Phạt từ 10-20 triệu đồng với vi phạm từ 1 tới 10 người lao động, từ 20-40 triệu đồng với vi phạm từ 11- 50 người lao động, từ 40-60 triệu đồng với vi phạm từ 51-100 lao động, từ 60 - 80 triệu đồng với vi phạm từ 101-300 người lao động, từ 80-100 triệu đồng với vi phạm trên 300 lao động trở lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động…

 

Ảnh minh họa

 

Về quy định người nước ngoài làm việc tại VN

Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định phạt tiền người sử dụng lao động đang sử dụng người lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có cấp giấy phép đã hết hạn.

Mức xử phạt như sau: Phạt từ 30-45 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 người lao động, phạt từ 45-60 triệu đồng với vi phạm từ 11-20 người lao động, phạt từ 60 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người lao động trở lên.

Ngoài ra, NĐ 88/2015/NĐ-CP còn quy định mức phạt bổ sung là tạm dừng hoạt động từ 1-3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trên…

Về quy định người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 

Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:

Thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi lam việc ở nước ngoài theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc kiểm tra, cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết; không cấp tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho người lao động theo quy định.

Ngoài ra, NĐ 88/2015/NĐ-CP còn quy định người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài có quyền: Buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, buộc người lao động về nước theo quy định tại Chương 4 của Nghị định này…

Nghị định số 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2015. Các nội dung khác không được sửa đổi, bổ sung của NĐ 95/2015/NĐ-CP vẫn có hiệu lực như hiện tại.


Mặc dù không được sửa đổi hoặc bổ sung trong NĐ 88/2015/NĐ-CP, nhưng Điều 35 của NĐ 95/2015/NĐ-CP vẫn tạm chưa áp dụng với lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/9-31/12/2015. 

Lý do bởi Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 3/9/2015 của Chính phủ VN có nội dung miễn xử phạt tiền người lao động VN theo Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng, hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước.

Thời hạn miễn xử phạt kéo dài từ 1/9 - 31/12/2015 (bao gồm cả người lao động đã có quyết định xử phạt).




Theo Hoàng Mạnh/ Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh