THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:34

Pháp phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứa đột biến lạ, Anh thử nghiệm vaccine Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Báo Tin Tức đưa tin, biến thể B.1.640 được xác định có trong mẫu bệnh phẩm của 24 trường hợp, gồm 18 trẻ em và 6 người lớn, tại một ngôi trường ở vùng Brittany của nước này hồi tháng 10 vừa qua. Qua quá trình giải trình tự gene, nhóm chuyên gia Pháp nhận thấy B.1.640 không có 3 đột biến tiêu biểu của chủng Delta là E484K, E484Q và L452R, thay vào đó, biến thể này chứa những đột biến chưa từng ghi nhận trước đây. Những dữ liệu ít ỏi mà nhóm chuyên gia trên có được lúc này là các đột biến nằm ở protein cho phép virus “mở khóa” tế bào để xâm nhập vào cơ thể. 

Giáo sư Cyrille Cohen tại Đại học Bar-Ilan (Pháp) nêu rõ ở biến thể B.1.640, gai protein cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm đã bị loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể xác định được liệu thay đổi này có khiến virus tăng hay giảm khả năng lây lan hay không. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Saint Louis, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Saint Louis, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Qua truy vết, các nhà khoa học nhận định biến thể B.1.640 nhiều khả năng có nguồn gốc từ châu Phi. Một lần nữa biến thể này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh chưa thể đảm bảo cân bằng nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới. Tính đến cuối tháng 10 năm nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm phòng cho phần lớn dân số của họ. Tuy nhiên, tại châu Phi, chỉ khoảng 6% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Việc cung cấp vaccine cho các nước châu Phi hiện vẫn gặp nhiều trở ngại, chủ yếu là do hạ tầng y tế tại đây còn yếu kém.

Ngoài Pháp, nhiều quốc gia khác như Anh, Thụy Sĩ, Italy cũng đã ghi nhận những ca nhiễm biến thể B.1.640, song tỷ lệ còn khá thấp. Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã bổ sung B.1.640 vào danh sách các biến thể đang theo dõi.

Thông tin trên Vietnamnet đưa tin, một công ty có trụ sở tại Oxfordshire (Anh) sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine thế hệ thứ hai chống lại Covid-19. Đó là một miếng dán da sử dụng tế bào T để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu hơn các loại vaccine hiện tại.

Hãng Emergex được thành lập vào năm 2016 để phát triển vaccine tế bào T, sản phẩm của Giáo sư Thomas Rademacher. Ông là Giám đốc điều hành của công ty và là giáo sư danh dự về y học phân tử tại trường y London.

Vắc xin tạo ra các tế bào T để loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh khỏi cơ thể một cách nhanh chóng, do đó ngăn chặn sự nhân lên của virus. Trong khi các vaccine hiện tại tạo ra kháng thể ngăn virus lây nhiễm sang các tế bào, vaccine tế bào T sẽ tìm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm. Vaccine Pfizer và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T nhưng ở mức độ thấp hơn.

Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ đã đồng ý để Emergex tiến hành thử nghiệm ban đầu trên người ở Lausanne, với sự tham gia của 26 tình nguyện viên, bắt đầu từ ngày 3/1. Kết quả tạm thời từ thử nghiệm dự kiến ​​sẽ có vào tháng 6.

Các vaccine Covid-19 hiện tại chủ yếu tạo ra phản ứng kháng thể suy yếu theo thời gian. Điều đó đồng nghĩa, mọi người cần tiêm vaccine tăng cường để duy trì sự bảo vệ chống lại virus.

Theo lãnh đạo của hãng dược, vaccine Emergex hoạt động theo cách khác: nhanh chóng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, người được tiêm có khả năng miễn dịch lâu dài hơn, chống lại các biến thể tốt hơn.

Trong khi đó, Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann bày tỏ nghi ngờ vaccine tế bào T có thể tự mình chống lại virus. Tuy nhiên, ông cho rằng loại vắc xin đó có khả năng đóng vai trò bổ sung bằng cách kết hợp với các vaccine hiện có. Ông Altmann đánh giá vaccine mRNA như Pfizer hoạt động rất hiệu quả vì tạo ra phản ứng kháng thể trung hòa mạnh mẽ.

Vaccine Emergex sẽ được sử dụng dưới dạng miếng dán da nhỏ có các đầu kim siêu nhỏ, để được đến 3 tháng ở nhiệt độ phòng.

Tuy nhiên, ít nhất phải tới năm 2025, vaccine Emergex mới có thể đưa vào sử dụng, khung thời gian thông thường để phát triển vaccine. Năm ngoái, vaccine Covid-19 đã được phát triển trong vòng vài tháng khi quy trình quản lý được đẩy nhanh, nhưng tình trạng khẩn cấp đã qua đi.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh