CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Phanh tay và những điều cần biết

 

Khác với phanh chân chỉ được sử dụng khi xe chạy, phanh tay lại hoạt động lúc xe nghỉ ngơi, mục đích chính là giữ chiếc xe đứng yên, không bị trôi khi dừng hay đỗ. Phanh tay chịu tải ít hơn phanh chân, nhưng lại hoạt động nhiều giờ, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hơn.

Phanh tay cơ khí trên ôtô.

Trong trường hợp đặc biệt, phanh tay là phương án cuối cùng khi không may phanh chân hỏng. Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ nên sử dụng trong khi bất khả kháng. Vì nếu bất ngờ kéo phanh tay khi xe đang chạy, diễn biến xảy ra tiếp theo rất khó kiểm soát. Lực phanh chỉ có ở 2 bánh sau sẽ gây hiện tượng trượt bánh, khiến xe xoay vòng. Tuy nhiên, xe thời nay đã hiện đại, phanh chân thường có 2 mạch thủy lực nên hiếm khi gặp tình trạng hư hỏng. Mọi nhà sản xuất đều biết rõ phanh quan trọng thế nào đối với sự an toàn của người sử dụng. 
Với những mẫu xe đời cũ, dùng số sàn và ít công nghệ, phanh tay còn mang vai trò giúp chiếc xe khởi hành ngang dốc - một kỹ năng được dạy ở các trường lái xe tại Việt Nam. 
Phanh tay phổ biến nhất là dạng tay nắm, thường đặt ở vị trí giữa ghế lái và ghế phụ. Đôi khi, lại thấy ở phía trái ghế tài xế. Ngoài ra, phanh tay còn có 2 dạng nữa là nút bấm và bàn đạp đối với xe tự động. Tuy nhiên, xét theo phương thức dẫn động/điều khiển, chúng chỉ được chia thành phanh cơ khí và phanh điện tử.
Loại phanh tay cơ khí hoạt động bằng cách kéo sợi dây cáp kết nối với 2 bánh sau, một đòn quay biến lực kéo cáp thành lực ép guốc phanh vào tang trống. Nếu bánh sau dùng phanh đĩa, phanh tay thường lợi dụng luôn cơ cấu này để hoạt động.
Phanh cơ khí thường gặp tình trạng kéo phanh nhưng không ăn. Kéo mạnh phanh trong lúc đang di chuyển chậm nhưng xe không dừng lại. Nguyên nhân có thể là cơ cấu phanh đã mòn nhiều, dính dầu mỡ ở nơi tiếp xúc hoặc điều chỉnh khe hở phanh quá lớn.
Rắc rối thường gặp thứ 2 lại đối nghịch, phanh có hiện tượng kẹt cứng, nhả phanh tay nhưng bánh vẫn bó cứng. Cố tình tiếp tục đi sẽ gây ra hiện tượng mất phanh, hỏng ABS (với xe dùng phanh đĩa) do quá nóng. Nguyên nhân gây ra rất nhiều, có thể là kẹt cáp do khô mỡ, các chốt và đòn kéo bị rơ, lỏng. Hoặc lò xo hồi guốc phanh gãy hỏng, làm má phanh luôn tiếp xúc với tang trống (sờ tay vào tang trống thấy nóng). 
Phanh tay điện tử với ký hiệu chữ P (Parking).
Thời đại điện tử hóa biến mọi thứ dễ dàng hơn. Phanh tay không ngoài xu hướng. Hệ thống phanh tay điện tử trở nên phổ biến trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt xe sang. Công nghệ mới giải quyết được những nhược điểm của phanh tay truyền thống, như gọn nhẹ nhờ lược bỏ kiểu dẫn động bằng cáp kéo, an toàn hơn do tự động kích hoạt giữ xe không trượt dốc, hay tự động nhả phanh khi xe di chuyển.
Họ gắn một bộ chấp hành mô-tơ điện một chiều ở cùm phanh 2 bánh sau. Hộp điều khiển phanh EPB (Electronic Parking Brake) sẽ xử lý các tín hiệu nhận được từ người lái và trạng thái chiếc xe, rồi truyền xuống mô-tơ điện hoạt động. 
Giống như mọi hệ thống điện tử khác, EPB dễ gặp rắc rối về dây dẫn, mạch điện giữa công tắc EPB và cụm điều khiển, thiết bị thực thi bị đoản mạch hay hở mạch. Khi gặp vấn đề, bảng đèn báo hệ thống phanh sẽ hiện lên ở bảng táp-lô. Người sử dụng cần mang xe đến các garage sửa chữa. Thợ sẽ dùng một thiết bị chuyên dụng để phát hiện lỗi ở đâu và tiến hành khôi phục hoặc thay thế.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh