CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

“Phấn đấu trở thành Viện nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực LĐ-XH”

Quang cảnh buổi làm việc

Các hoạt động nghiên cứu của Viện đã bám sát ngành

Báo cáo tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện KHLĐXH Đào Quang Vinh cho biết, Viện KHLĐXH triển khai nghiên cứu đồng thời trên cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu triển khai. Công tác quản lý khoa học được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ của ngành, cung cấp kịp thời cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách.

Ông Đào Quang Vinh Viện trưởng Viện KHLĐ&XH báo cáo tại buổi làm việc

Trong năm 2017, Viện KHLĐXH đã triển khai nghiên cứu đồng thời trên cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu triển khai, luôn cố  gắng tổ chức nghiên cứu đón đầu những vấn đề mới phát sinh liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Viện đã đề xuất trình Bộ xây dựng và triển khai nghiên cứu 3 chương trình nghiên cứu cấp bộ; riêng Viện đã thực hiện 12/40 đề tài cấp bộ (chiếm 30%) và 16 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Công tác quản lý khoa học của Viện được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ của ngành, cung cấp kịp thời cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, Viện còn hợp tác với các tổ chức quốc tế như ILO, GIZ, OECD, UNDP…

Ngoài ra, Viện đã phối hợp với các địa phương thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lí của ngành LĐ-TB&XH…

Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu đóng góp cho Viện

Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo của khối nghiên cứu và khối hỗ trợ nghiên cứu của Viện thông tin về một số khó khăn bất cập trong quá trình hoạt động của Viện như: Công tác phối hợp về mặt số liệu với Tổng Cục Thống kê thường rất chậm dẫn đến độ trễ trong các báo cáo trình Bộ; dự báo thị trường lao động chưa được đầu tư dài hơi, chưa có đánh giá tác động xã hội rõ nét đối với một số chương trình, chính sách; các hoạt động tập huấn ở nước ngoài hiện đang giới hạn ở đối tượng là công chức, viên chức trong khi đó người lao động, cán bộ hợp đồng ở Viện khá đông…

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo về các định hướng phát triển của Viện trong thời gian tới

Chú trọng nghiên cứu gắn với thực tiễn

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Viện KHLĐXH đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý và hoạch định chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần phát triển hệ thống lý luận khoa học lao động và xã hội; cung cấp các luận cứ khoa học để Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, luật pháp về lao động, người có công và xã hội, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước trong từng giai đoạn; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Viện KHLĐ&XH phải là trung tâm nghiên cứu, qui tụ học thuật của các chuyên gia trong và ngoài ngành, nắm bắt các vấn đề ASXH nảy sinh, bức xúc tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, ban hành các chính sách kịp thời nhạy bén trước cuộc CMCN 4.0, các vấn đề ứng dụng chính sách lao động, NCC và xã hội. Các đề tài nghiên cứu của Viện  phải có tính ứng dụng cao, áp dụng luôn vào thực tiễn . Với tư cách là viện nghiên cứu đầu ngành về các chính sách lao động, người có công và xã hội, Bộ trưởng đề nghị Viện cần nỗ lực hơn nữa, sớm khẳng định vị trí đầu tàu trong nghiên cứu khoa học; góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sự nghiệp lao động, người có công và xã hội. Trong thời gian tới, Viện cần tập trung đổi mới một số vấn đề:

Một là, về chiến lược phát triển: Viện KHLĐXH phải sớm trở thành một trung tâm học thuật của Bộ, quy tụ sự tham gia và phát huy được trí tuệ tập thể của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phục vụ sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực về khoa học lao động và xã hội; công bố kịp thời các công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, có giá trị thiết thực phục vụ xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước và xây dựng Chính phủ kiến tạo vì dân. Phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan và viện nghiên cứu để xây dựng và triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về lĩnh vực lao động và xã hội giai đoạn 2020-2025.

Hai là, về định hướng nghiên cứu khoa học: Phải cân đối hài hòa giữa nghiên cứu lý luận và ứng dụng, tổng kết thực tiễn; gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kết quả nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng. Trong đó, ưu tiên thực hiện các nghiên cứu về phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận, phương pháp luận về khoa học lao động và xã hội phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là trong xây dựng các bộ công cụ và mô hình phân tích, đánh giá; chú trọng các nghiên cứu đón đầu, dự báo mang tầm chiến lược để giải quyết các vấn đề mới trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, về xây dựng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên: Viện phải chủ động bổ sung kiến thức mới, rèn luyện phương pháp tư duy sáng tạo, không ngừng bồi dưỡng thế giới quan khoa học và nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng và nâng cao trình độ ngoại ngữ để có điều kiện cập nhật và tiếp cận kịp thời những tri thức mới, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học lao động và xã hội trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, Viện  phải là địa chỉ cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cao cho Bộ, đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong sự nghiệp phát triển ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời kỳ mới.

Bốn là, về tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu: hướng đến trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lao động và xã hội quy tụ được sự quan tâm và tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài ngành, cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện cần được trang bị hiện đại, hỗ trợ tối đa công tác nghiên cứu khoa học, triển khai thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, Viện phải tận dụng tối đa những tiến bộ và ưu việt của công nghệ thông tin vào việc hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt trong  thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực của ngành; quảng bá và phổ biến thông tin khoa học lao động và xã hội.

Năm là, về hợp tác nghiên cứu khoa học: Viện cần đẩy mạnh các hình thức hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước theo nhiều hình thức như liên kết nghiên cứu, hợp đồng dịch vụ tổ chức tư vấn/chuyên gia tư vấn độc lập. Chú trọng duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học lao động và xã hội để cập nhật những xu hướng tiến bộ của thế giới (phương pháp luận, công cụ nghiên cứu tiên tiến) gắn với tiếp thu có chọn lọc để tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt sự nghiệp phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong thời kỳ mới.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí lãnh đạo Bộ tặng hoa chúc mừng Viện KHLĐ&XH nhân dịp 40 năm ngày thành lập 

VĂN LÝ - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh