THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Phân biệt đối xử, kỳ thị là rào cản lớn trong tuân thủ điều trị HIV

 

Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng giúp giảm lây nhiễm HIV nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

 

Tuân thủ điều trị giúp giảm lây nhiễm HIV nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng đó là giúp bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị. Bởi phát hiện tình trạng nhiễm HIV và điều trị ngay để tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thôi là chưa đủ mà còn cần duy trì kết quả dưới ngưỡng phát hiện đó trong toàn bộ quá trình điều trị HIV bằng cách tuân thủ các quy tắc trong điều trị: Uống đúng thuốc, đúng cách, đúng liều và đúng giờ. Tuân thủ điều trị ARV còn giúp hạn chế tình trạng kháng thuốc.

Tuy nhiên, một quan niệm phổ biến trong cộng đồng là việc tuân thủ điều trị là trách nhiệm của riêng cá nhân người nhiễm HIV – dẫn đến việc còn thiếu sự cảm thông cũng như hỗ trợ từ cộng đồng đối với bệnh nhân HIV. “Điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Và điều này rất dễ khiến đến không tuân thủ điều trị hay bỏ trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng”, chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng Ban điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho Người có HIV (SATA+) chia sẻ. Chị Khuyên cho biết, bệnh nhân điều trị HIV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải nhiều sự kỳ thị, xa lánh của xã hội.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh điều trị HIV được chuyển đổi sang bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn, bệnh nhân HIV còn cần thích ứng cùng một lúc với nhiều thay đổi như: Môi trường khám chữa bệnh mới (từ phòng khám ngoại trú riêng biệt sang bệnh viện), nhân viên y tế mới, các quy trình và thủ tục mới, cũng như nỗi lo toan về tài chính khi không còn được chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị HIV như trước đây. Quan trọng hơn hết, điều trị HIV cần được nhìn nhận là một điều trị cần được thiết kế phù hợp và đáp ứng nhu cầu, và điều kiện của từng cá nhân người bệnh để đạt được hiệu quả tốt nhất, thay vì phương pháp tiếp cận đại trà số đông. Ví dụ như tuỳ thể trạng từng người mà sẽ bị dị ứng với một số loại thuốc trong điều trị HIV, nếu không điều trị thay thế bằng loại thuốc khác thì người bệnh sẽ không thể tiếp tục tuân thủ, dẫn đến nguy cơ bỏ trị là rất lớn.

“Cộng đồng người có HIV mong muốn thời gian tới sẽ được cung cấp đầy đủ các loại thuốc để không ai phải bỏ trị vì dị ứng mà không có thuốc thay thế. Cũng như nhận được sự quan tâm, tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị từ nhân viên y tế, gia đình và cộng đồng”, chị Khuyên chia sẻ.

Điều trị trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV- khoảng trống đáng kể!

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có khoảng 4.400 đến 6.600 trẻ em dưới 15 tuổi sống chung với HIV. Theo số liệu toàn cầu, ước tính chỉ 50% trẻ em nhiễm HIV được tham gia điều trị - đây là một khoảng trống đáng kể trong phòng, chống HIV/AIDS.

Bs Kiều Thị Mai Hương, Quản lý chương trình Sức khoẻ, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết: “Qua kinh nghiệm làm việc cùng các nhóm hỗ trợ cho các trẻ nhiễm HIV, chúng tôi thấy một thực trạng rất đáng buồn là có một tỉ lệ đáng lo ngại những trẻ mắc HIV bỏ điều trị khi bước sang độ tuổi vị thành niên”. Theo bác sĩ Hương, tuân thủ điều trị HIV đối với bệnh nhân là người trưởng thành đã khó, đối với trẻ em lại càng đòi hỏi nhiều sự quan tâm và chuẩn bị về mặt tâm lý một cách đầy đủ, kỹ càng trước khi bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời.

Nhiều trẻ nhiễm HIV từ nhỏ không được biết tình trạng của mình mà chỉ uống thuốc theo sự yêu cầu của bố mẹ và cũng không được chuẩn bị tâm lý từ từ để đón nhập tình trạng bệnh, để rồi khi các em lớn lên sẽ rơi vào 2 trường hợp phổ biến. Trường hợp đầu tiên là các em không có đủ nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị dẫn đến bỏ uống thuốc, hoặc uống không đúng chỉ dẫn – gây ra những biến chứng về sức khoẻ và nguy cơ kháng thuốc cao. Trường hợp thứ hai, các em cảm thấy sốc khi phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV của mình khiến các em căm ghét bố mẹ và chính bản thân, dẫn đến thực hiện các hành vi tiêu cực như: Bỏ nhà đi, sử dụng chất kích thích – ma túy, quan hệ tình dục không an toàn và những hậu quả đáng tiếc như có con ngoài ý muốn… Đáng lo lắng hơn, có những em đã bỏ thuốc ARV trong thời gian dài và những trường hợp này đều rất khó thuyết phục quay trở lại điều trị.

Nhưng ngay cả với những trẻ nhiễm HIV đã chấp nhận tình trạng của mình và có tâm lý sẵn sàng thì các em cũng gặp không ít khó khăn để tuân thủ điều trị khi bước vào độ tuổi vị thành niên. “Khi chúng cháu đi học, đi ôn thi tại trung tâm mà đến giờ uống thuốc thì không thể tự nhiên giữa cả lớp mà bỏ thuốc ra uống được (vì mọi người kỳ thị và tò mò), nên việc quên hoặc uống quá giờ là thường xuyên xảy ra. Rồi đến tuổi yêu đương, muốn có người yêu thì cũng rất dễ bỏ uống thuốc do tâm lý tuổi này đang thay đổi”, chia sẻ của một bạn nam tại Hà Nội. Hay đó là những bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ việc điều trị tại phòng khám nhi sang phòng khám dành cho người lớn: “Cháu cảm thấy sốc với lần đầu tiên đi khám ở tại bệnh viện vì cả quá trình khám, lấy thuốc chỉ mất đúng 5 phút. Trước đây khi đi khám ở phòng nhi thì cháu đều được hỏi han và chỉ dẫn từng bước, nên khi chuyển sang khám của người lớn thì thấy không quen, và cảm thấy khó khăn khi cần trao đổi với bác sĩ”, một bạn nữ tại Hải Phòng chia sẻ.

Phân biệt đối xử - kỳ thị là một rào cản lớn trong tuân thủ điều trị HIV khi những đứa trẻ vốn dễ bị tổn thương do tình trạng nhiễm HIV của mình lại hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với những soi mói và dị nghị tại nơi sinh sống, học tập, vui chơi và khám chữa bệnh. “Mỗi khi cháu đến phòng khám lấy thuốc thì lại bị người dân xung quanh chỉ trỏ, sao trẻ thế này mà làm gì để bị nhiễm HIV. Cháu thấy rất buồn”, bạn nữ tại Hải Phòng chia sẻ. “Nhưng nếu chúng cháu được hỗ trợ tuân thủ tốt, mức tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện và không còn khả năng lây nhiễm nữa thì sẽ không còn lý do gì bị kỳ thị và phân biệt đối xử.”

Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 31,1 đến 43,9 triệu người sống chung với HIV, 75% trong số đó biết tình trạng của mình. Tính đến năm 2017, số người tham gia điều trị đạt mức cao nhất trong lịch sử phòng, chống HIV/AIDS với 21,7 triệu bệnh nhân (58.6%), số người tử vong vì AIDS cũng đạt mức thấp nhất là dưới 1 triệu ca một năm. Số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 1,8 triệu em, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 50% được tham gia điều trị.

LAM LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh