Phân biệt bệnh lý giữa "Coronavirus, Cảm cúm và Cảm thường" ai cũng cần nắm rõ
- Y học 360
- 02:24 - 14/03/2020
Các bệnh lý về cúm và bệnh lý nhiễm virus corona đều là những bệnh lý có liên quan tới đường hô hấp. Điều đáng nói là các triệu chứng của những căn bệnh này đều khá giống nhau. Chẳng hạn như triệu chứng sốt, ho, khó thở... đều là biểu hiện điển hình của người đang bị cảm cúm. Vậy câu hỏi đặt ra là có điểm gì khác biệt giữa các triệu chứng của cúm do virus corona, cảm cúm và cảm lạnh thông thường?
Thông tin này mới đây đã được các chuyên gia giải đáp triệt để trên trang Lá chắn Virus Corona.
Sự khác biệt giữa các triệu chứng của virus corona và cúm, cảm lạnh thông thường là gì?
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Bản chất của nhiễm trùng đường hô hấp như nhau dù tác nhân khác nhau. Những triệu chứng ho hắt hơi, sổ mũi, cúm hay cảm lạnh thông thường có thể vài ngày là khỏi. Cúm có các chủng: A, B, C. Cúm A, B lây cho người. Kháng nguyên H và N đối với cúm A, có 15 cái H và 9 cái N, tạo ra biến chủng. Riêng cúm A có thể gây ra đại dịch. Ví dụ: Cúm A H5N1, cúm A H1N1, mức độ lây lan mạnh mẽ. Nguồn gốc từ chim, gia cầm, lợn tái tổ hợp thành các chủng khác nhau. Cúm AH1N1 trở thành cúm mùa, nhưng ngay tại Đài Loan có hàng chục ca chết, nên không chủ quan.
Triệu chứng cúm A hay viêm đường hô hấp cấp nCoV, MERS-CoV, SARS tương tự như nhau, đều tấn công vào phổi, nó đều là viêm phổi cấp, nhiễm trùng hô hấp cấp… viêm lan tỏa cả 2 phổi. Bản chất nguy hiểm như nhau. Tuy nhiên, bệnh Cúm còn có thuốc đặc trị như tamiflu, zanavimir, peramivir. Còn riêng đối với nCov, SARS, MERS-CoV hầu như không có thuốc đặc hiệu, chưa có vắc xin.
Dựa theo cơ chế phát sinh, một số ứng dụng đưa vào điều trị như ứng dụng thuốc chống HIV đưa vào chỉ theo ý nghĩ ban đầu, tạm ứng dụng đưa vào thử nghiệm. Bản chất của nó đánh vào 2 con virus khác nhau. Theo đáp ứng miễn dịch 7-10 ngày sẽ khỏi, ai nặng có biến chứng sẽ tử vong. Những người tiểu đường, COPD, tăng huyết áp tỷ lệ tử vong cao hơn. Tổng hòa lại, những người có nguy cơ cao là những người có bệnh nền. Ông bố người Trung Quốc có sẵn bệnh ung thư, mà ta đã điều trị khỏi nCoV.
Cũng theo GS Kính chia sẻ: "Trong bối cảnh vừa có dịch cúm, vừa có dịch nCoV, chúng ta nên phân tích tỉ mỉ về dịch tễ, lâm sàng. Bởi triệu chứng giống nhau. Một trường hợp ở Uông Bí lên, viêm phổi 2 bên, trắng lốp 2 phổi, gây ra hoang mang. Nhưng sàng lọc hóa ra cúm A/H1N1. Phân biệt rất kỹ ngoài lâm sàng còn phải gắn chặt với yếu tố dịch tễ, và sau đó là kết quả từ phòng xét nghiệm".
Bên cạnh đó, GS Kính còn nhấn mạnh, để khẳng định thì cần phải xét nghiệm không dựa trên lâm sàng, 3 yếu tố cấu thành để chúng ta khẳng định đó là: yếu tố dịch tễ (có tiếp xúc gần, đến và đi từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày, có bệnh cảnh lâm sàng đường hô hấp, có xét nghiệm (rất quan trọng) để khẳng định được nCoV.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ: "Tôi rất đồng thuận với với chia sẻ của GS Kính về các kiến thức liên quan đến virus này. Theo tôi, triệu chứng của nCoV cũng khá đa dạng đầu tiên cũng giống như cảm lạnh: hắt hơi, sổ mũi... dấu hiệu đó được gọi là mức độ nhẹ nhất là viêm đường hô hấp trên và dấu hiệu tiếp theo nữa bắt đầu với những tổn thương ở cơ địa đặc biệt có thể gây ra mức độ viêm phổi".
Viêm phổi tùy theo mức độ: có thể nhẹ, viêm phổi nặng (suy hô hấp, khó thở, tím tái) và biểu hiện lâm sàng khác nữa của bệnh nhân trên bệnh nền đặc biệt và cũng có thể đồng nhiễm thêm các virus, vi khuẩn khác thì có thể đưa đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết (nặng), nặng hơn là sốc nhiễm trùng, trước hết theo thông tin từ Tổ chức y tế thế giới cũng như phác đồ của bên Trung Quốc là những phân thể lâm sàng do nhiễm nCoV này. Theo mức độ bệnh thì nhẹ đến nặng nhưng hầu hết các tình trạng đều dừng lại ở mức độ viêm đường hô hấp, viêm phổi nhẹ còn viêm phổi nặng và sốc nhiễm trùng thì không thực sự nhiều, tất nhiên chưa có thống kê cụ thể để biết chính xác bao nhiêu.
Tại sao chúng ta luôn luôn cảnh báo về nCoV vì liên quan đến đặc điểm dịch tễ hàng đầu là trong nước những người đến từ vùng Vũ Hán và những người đến từ Trung Quốc mà bắt đầu xuất hiện dịch rồi cần hết sức lưu ý với những người đó?
Hiện nay chúng ta đang cho cách ly hoàn toàn 14 ngày. Đầu tiên luôn phải có yếu tố dịch tễ, với triệu chứng lâm sàng để phát hiện: dấu hiệu đường hô hấp, dấu hiệu sốt, đau người, mệt mỏi... đó là cái chung về triệu chứng còn hàng đầu nếu xuất hiện nCoV là phải đưa ra ca bệnh nghi ngờ tức là phân tích đặc điểm dịch tễ, bệnh nhân đến từ đâu, tiếp xúc với ai có liên quan gì đến dịch viêm phổi hay không đó là những cái cần lưu ý.
Còn theo PGS.BS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Hoa Kỳ chia sẻ, "Mặc dù triệu chứng của Coronavirus (Covid-19), cảm cúm (influenza), và cảm thường (common cold) có nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, giữa các bệnh này có một vài điểm khác nhau".
BS Trần Huỳnh đã chia sẻ rất ngắn gọn các đặc điểm có thể phân biệt 3 loại bệnh trên và minh họa bằng những hình vẽ rất sinh động về các triệu chứng gợi ý sự khác biệt giữa 3 loại bệnh này để mọi người dễ ghi nhớ.
BS Huỳnh khẳng định, Virus Sars-Cov-2, khác với virus cảm thường, thường tấn công vào phần dưới của hệ hô hấp như phổi nên các triệu chứng thường nặng hơn, và khi có triệu chứng thì nguy hiểm hơn. Đồng thời BS cũng đặc biệt lưu ý với mọi người, đây chỉ là những gợi ý các triệu chứng dựa trên các bài nghiên cứu về Corona, cảm thường, và cảm cúm. Còn việc chẩn đoán bệnh cuối cùng vẫn phải do bác sĩ thực hiện.
BS Huỳnh gợi ý về triệu chứng khác biệt giữa 3 loại bệnh Covid-19, Cảm cúm và Cảm thường như sau:
Cuối cùng, để phòng ngừa Coronavirus, BS Huỳnh khuyến cáo mọi người cần lưu ý:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Uống nước ấm đầy đủ, giữ cổ họng ẩm nếu như bị đau cổ.
- Súc miệng và vệ sinh răng.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng hệ miễn dịch.
- Ngủ đủ giấc, bớt nghe và xem tin đồn thất thiệt.
- Đeo mặt nạ (khẩu trang) nếu có triệu chứng hô hấp hay đến nơi có nguy cơ dịch bệnh.
Nguồn: