Phải thay đổi tư duy và có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:35 - 19/08/2016
Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Bắc và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn nên cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất trong 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước.
Hội thảo“Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc” là diễn đàn trao đổi và là cơ sở quan trọng cho Ban chỉ đạo Tây Bắc nghiên cứu lựa chọn các giải pháp tối ưu, thiết thực và hiệu quả để giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo đa chiều bền vững không chỉ cho Tây Bắc mà còn cho cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, Tây Bắc vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đồi núi hiểm trở, gặp nhiều khó khăn về giao thông, thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu như lũ, sạt lở, hạn hán. Tây Bắc hiện nay là vùng có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất trong cả nước, do đó Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo vùng Tây Bắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và đã có nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo cho Vùng.
Đồng chí cho rằng, nhìn từ thực tiễn, công tác giảm nghèo tại Tây Bắc trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập làm cho kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các tỉnh, huyện không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Chính vì vậy, việc làm rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn 2011-2015 là hết sức cần thiết để rút kinh nghiệm cho cho việc triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, Ban chỉ đạo Tây Bắc, các cấp ủy, chính quyền của các tỉnh vùng Tây Bắc cần cầu thị, tôn trọng thực tiễn lắng nghe kiến nghị của các nhà khoa học và lắng nghe đề đạt của người dân để có những hành động quyết liệt, cụ thể góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững của Vùng, đưa Tây Bắc phát triển cùng cả nước trong thời gian tới.
Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm 2011 - 2015 ở vùng Tây Bắc đã giảm rõ rệt, từ 34,41% xuống còn 18,26% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, bình quân giảm trên 6%/năm, vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm. Tuy vậy, hiện Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, 6 tỉnh Tây Bắc vẫn được coi là “lõi nghèo”. Người nghèo Tây Bắc chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa (95%). Do đó cần phải tập trung và có những giải pháp xóa đói, giảm nghèo cho vùng Tây Bắc.”
Hội thảo đã thu hút được 75 bài tham luận tập trung bàn về 3 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất là làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo; làm rõ những khía cạnh xung quanh khái niệm giảm nghèo đa chiều bền vững. Thứ hai là đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra của công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và ở Tây Bắc nói riêng những năm qua.
Và những vấn đề đặt ra đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Bắc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra các kiến nghị, chủ trương, các giải pháp cơ bản cho công tác xóa đói, giảm nghèo đa chiều bảo đảm tính bền vững cho Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Những nội dung của Hội thảo sẽ được chắt lọc, xã hội hóa, vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững cho các tỉnh Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung, đồng thời góp phần thiết thực vào việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.