THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:25

Phải làm sao khi con bạn bướng bỉnh?

 

Hãy tìm cách tiếp cận để hiểu con hơn. SHUTTERSTOCK
 
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, ngụ tại lô C, chung cư Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: “Mình có một bé gái đang học lớp 5. Bình thường bé rất ngoan nhưng cũng có khi bé bướng chịu không nỗi. Có khi mình nói một đằng thì bé làm một nẻo, cụ thể là kêu học bài thì bé nói hôm nay con mệt quá, nhưng khi mình nói con mệt thì nghỉ ngơi cho khỏe thì bé không chịu nghỉ mà lại mang đồ hàng ra chơi hoặc chơi game. Có nhiều lúc mình cảm thấy bé làm như thế để cố tình chọc tức mình vậy. Mình la bé thì bé cứ lầm lầm lì lì rồi vào phòng đóng cửa nhốt mình trong đó”.
Vậy những lúc như thế thì chị phải làm sao? Chị Kim Ngân thành thật: “Có lần mình gọi bé ra khỏi phòng và đánh bé, nhưng sau đó bình tâm nghĩ lại thấy mình làm như thế là sai”.
Cho nên chị Ngân chỉ cách: “Những lần xảy ra tình trạng tương tự sau đó mình hay nhờ ba bé chỉ dạy (nếu ông xã có ở nhà) hoặc khi thấy tình hình trở nên căng thẳng quá thì mình hay dọa bé là mẹ sẽ đem chuyện này nói với cô giáo của con. Đây là cách mình áp dụng rất hiệu quả vì khi nghe đến việc méc cô giáo thì bé sợ lắm và không dám bướng bỉnh nữa”.
Ở góc độ khác, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, thành viên của Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống (TP.HCM), chuyên tư vấn tâm lý miễn phí cho các gia đình trẻ, chia sẻ: “Nếu bạn có một đứa con bướng bỉnh, hay cãi lời, thậm chí luôn làm ngược lại yêu cầu của bạn thì tôi phải nói lời chúc mừng vì bạn đã có một đứa con thông minh”.
 
 Hãy tìm hiểu và lắng nghe con tâm sự. ẢNH: SHUTTERSTOCK
  
Chị xuyến dẫn chứng lại câu chuyện, vừa rồi có một cô giáo tại một Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu 23 bạn tát một bạn khác trong lớp đến 230 cái là do các bạn học sinh đó đã không dám làm trái lời cô giáo. “Nếu các học sinh bị đánh hoặc thậm chí các bạn trong lớp là những đứa bé có chính kiến, có quan điểm riêng và dám bày tỏ quan điểm của mình với ban giám hiệu nhà trường hoặc những thầy cô các lớp bên cạnh thì chắc chắn đã không xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Nếu con bạn bướng bỉnh với bạn, chúng cũng sẽ bày tỏ quan điểm với người khác. Và khi quan điểm được bày tỏ, ít nhất con bạn sẽ được lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, thậm chí còn thuyết phục được cả người khác”.
Theo chị Xuyến, có thể bạn không biết rằng đứa trẻ bướng bỉnh chính là đứa trẻ có tố chất của một người dẫn dắt, một nhà lãnh đạo tài giỏi và thông minh.
Vậy chúng ta sẽ làm gì khi một đứa trẻ có cá tính như thế? Chị Xuyến nói: “Bạn đừng quá lo lắng, hãy nhẹ nhàng, thân thiết như một người bạn. Tất cả mọi việc, bạn chỉ cần giảng giải, phân tích thậm chí bạn chỉ cần lắng nghe và đưa cho bé lựa chọn. Khi được tự do lựa chọn theo mong muốn của mình, bé sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với lựa chọn đó. Có thể bé sẽ lựa chọn đúng, hoặc sai, thậm chí không đúng, không sai mà chỉ là trải nghiệm thì những trải nghiệm đó cũng mang đến cho bé những bài học rất bổ ích và tự tin cần thiết cho sự trưởng thành của mình”.
Cũng theo chị Xuyến, đối với nhưng đứa bé như thế này, bạn đừng cố ép con theo mong muốn của mình, bởi bạn càng ép thì bé sẽ làm theo nhưng không vừa ý, thậm chí chống đối hoặc phản ứng mạnh mẽ.
“Không có đứa trẻ sống hạnh phúc và trưởng thành tốt khi cứ bị kìm hãm, chửi mắng và la lối. Hãy để con độc lập, tự tin thể hiện quan điểm và trưởng thành theo cách riêng của mình. Đặc biệt, đừng bao giờ so sánh con bạn với con người khác”, chị Xuyến lưu ý.
Chị Xuyến khuyên: “Hãy làm bạn với con, lắng nghe và thật kiên nhẫn. Nếu có góp ý hoặc không hài lòng, hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng và tôn trọng. Trong trường hợp mất bình tĩnh bạn hãy lập tức bỏ đi hoặc chuyển hướng suy nghĩ đến điều làm bạn thích thú hoặc hạnh phúc nhất để giải tỏa cơn giận. Hãy cảm thấy may mắn và tự hào vì mình có một đứa con có tố chất 'đại bàng', rất độc lập, quyết đoán và sẵn sàng bảo vệ chính kiến của mình trong mọi tình huống”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh